Tạo sự đồng thuận nhận thức về sử dụng rượu, bia hợp lý

Rượu, bia là sản phẩm văn hóa nhưng những hệ lụy xấu liên quan đến rượu, bia lại xuất phát từ cách ứng xử của con người. Vì thế, nâng cao nhận thức trong sử dụng rượu, bia là điều nên làm trong đời sống xã hội.

Một sản phẩm của truyền thống văn hóa dân tộc

Mỗi vùng miền, quốc gia, dân tộc lại có bí quyết, nguyên liệu riêng để làm ra sản phẩm rượu, bia mang nét đặc trưng của mảnh đất, văn hóa, phong tục, tập quán nơi đó. Ở nước ta, từ Bắc vào Nam có hàng chục loại rượu nổi tiếng, trở thành đặc sản. Trên thế giới, nhiều loại rượu, bia là đồ uống đặc trưng của quốc gia, như: Rượu Sake của Nhật, rượu Sochu Hàn Quốc, rượu Mao Đài Trung Quốc, rượu vang Pháp, bia đen Đức... Khi ra nước ngoài, người Việt có đồ uống truyền thống mời bạn bè quốc tế phần nào giới thiệu được nét ẩm thực của quê hương. Những khi đó, rượu trở thành “sứ giả” góp phần gắn kết văn hóa, tình hữu nghị.

Tôi có dịp được nghe ông Dương Quang Ngọc, cựu học viên chuyên ngành vô tuyến điện tử kể về một kỷ niệm đáng nhớ khi học tập ở Học viện Kỹ thuật không quân Zhukovsky (Liên Xô trước đây). Nhằm tăng cường tình đoàn kết với thầy cô giáo và cán bộ, học viên các nước bạn, đoàn học viên Việt Nam đã báo cáo Phòng Tùy viên quân sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô cho phép tổ chức bữa tiệc nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1969). Được sự đồng ý của lãnh đạo các cấp, đoàn thành lập ban tổ chức, xây dựng kế hoạch cụ thể. Riêng về thực đơn được thiết kế gồm một số món ăn Việt và Nga để mọi người đều có thể dùng được. Còn đồ uống, nếu như ở Nga có Vodka thì người Việt tự tin có đồ uống là rượu Lúa Mới. Chuẩn bị cho bữa tiệc, đoàn được Phòng Tùy viên quân sự giúp đỡ về rượu Lúa Mới. Buổi tối hôm đó, trong không khí vui vẻ, các vị khách phấn khởi chúc mừng đoàn học viên quân sự Việt Nam và thưởng thức ẩm thực Việt. Những ly rượu Lúa Mới được rót ra mời khách khiến không khí buổi liên hoan càng thêm tưng bừng, phấn khởi.

Biếm họa của THÁI AN.

Biếm họa của THÁI AN.

Năm 1979, tiếp bước lớp đàn anh đi trước, tôi được tham gia học tập tại Liên Xô. Những dịp đón năm mới, học viên thường rất nhớ nhà. Đồng đội quây quần bên nhau nấu vài món ăn Việt, nhâm nhi chút rượu, kể về những kỷ niệm ở quê hương. Dịp Tết dương lịch năm 1982, tôi được gia đình người bạn thân tên là Valera mời dự đón Giao thừa. Tôi tặng gia đình bạn chai rượu Lúa Mới, mấy thẻ hương trầm và tệp bánh đa nem. Bữa đó, tôi mời cả gia đình bạn cùng uống rượu Lúa Mới và kể về truyền thống đón Tết Nguyên đán của người Việt. Ly rượu rót ra mọi người đều trân trọng cùng thưởng thức, không khí đầm ấm giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà.

Kể lại những câu chuyện để thấy rằng, không chỉ ở nước ta mà với nhiều nước khác, rượu là sản phẩm có mặt trong đời sống thường nhật, cả khi tiệc tùng quan trọng cũng như trong bữa cơm gia đình. Nếu sử dụng đúng mục đích, hợp lý, trong những trường hợp cụ thể, rượu có thể dùng làm phương tiện ngoại giao, truyền tải thông điệp văn hóa. Vì thế, nhiều quốc gia đã kỳ công lựa chọn “quốc tửu” là vậy.

Tạo đồng thuận về nhận thức trong sử dụng rượu, bia

Mấy chục năm công tác trong quân đội, tôi có nhiều lần tham dự liên hoan ở đơn vị. Một số cuộc vui có cả khách dân sự cùng tham gia. Nhiều người vẫn thường cho rằng, bộ đội uống rượu tốt, nhất là phi công, vốn là “người trời” thì uống rượu không biết say. Chính suy nghĩ đó khiến những vị khách dân sự đến dự liên hoan thường chuẩn bị sẵn tinh thần để “chiến đấu” với những “đối thủ nặng ký” về rượu. Suy nghĩ đó vô hình trung đã tạo ra tâm lý không tốt cho cả chủ và khách. Thực tế thì không phải ai cũng uống rượu tốt và cũng không phải cuộc liên hoan nào cũng là “cuộc chiến” về rượu, bia.

Đối với lực lượng phi công, thành viên bay chúng tôi, tiêu chuẩn về sức khỏe phải đặt lên hàng đầu và phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ. Nếu như mai có kế hoạch bay thì ngày hôm trước phi công không được uống rượu, bia. Ngày hôm sau, quân y tiếp tục kiểm tra sức khỏe, nếu bảo đảm tốt mới được lên máy bay. Thế nên nhiều cuộc liên hoan dù lớn hay nhỏ nhưng khi có kế hoạch bay mọi người đều tự giác chấp hành quy định sử dụng rượu, bia để bảo đảm sức khỏe, trạng thái tinh thần tốt nhất cho thực hiện nhiệm vụ.

Từ đặc thù nhiệm vụ cũng như kinh nghiệm công tác ở đơn vị, tôi thấy rằng việc nâng cao nhận thức trong sử dụng rượu, bia rất quan trọng. Như trên đã nói, rượu, bia hình thành từ đời sống sinh hoạt, dần trở thành một hiện tượng văn hóa. Vì thế nên nhìn nhận vấn đề sử dụng rượu, bia ở góc độ văn hóa để có cách ứng xử phù hợp. Hàng nghìn năm nay, rượu, bia vẫn hiện hữu trong đời sống, thế nên việc ngăn cấm, từ bỏ rượu, bia là điều không thể! Vấn đề là cần nâng cao nhận thức của người sử dụng để điều chỉnh hành vi nhằm góp phần giảm tác hại của rượu, bia. Một thói quen không thể dễ thay đổi một sớm một chiều, do đó công tác tuyên truyền cần phải tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau. Ngay cả việc mở các diễn đàn trên báo chí về văn hóa rượu, bia cũng là việc cần thiết để góp thêm tiếng nói nhằm thay đổi nhận thức của mọi người trong sử dụng rượu, bia.

Trong đơn vị quân đội, việc thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì, kể cả việc giảm tác hại của rượu, bia muốn đạt hiệu quả cao thì cần phải tạo sự đồng thuận về nhận thức. Bên cạnh đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, những quy định liên quan cần phải được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ. Ngoài ra, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị và người đứng đầu dòng họ, gia đình phát huy tốt vai trò nêu gương sẽ dễ tạo ra sự đồng thuận, từ đó làm thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt của nhiều người, qua đó góp phần xây dựng văn hóa sử dụng rượu, bia.

Thượng tá, CCB TRẦN QUANG TUẤN(*)

(*) Nguyên giáo viên cơ giới xếp tải máy bay Casa-295, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/dien-dan-van-hoa-ruou-bia/tao-su-dong-thuan-nhan-thuc-ve-su-dung-ruou-bia-hop-ly-648396