Tạo sự đồng thuận cao trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thọ Xuân

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, huyện Thọ Xuân có số lượng đơn vị cấp xã sáp nhập nhiều nhất tỉnh, nhưng với tinh thần triển khai quyết liệt, chủ động, đến nay cơ bản huyện Thọ Xuân đã khẩn trương thực hiện các bước theo kế hoạch của tỉnh, bảo đảm đúng lộ trình...

Tổ lấy ý kiến cử tri đến các hộ gia đình trên địa bàn thị trấn phát phiếu, lấy ý kiến.

Đưa nghị quyết vào thực tiễn

Qua rà soát, huyện Thọ Xuân có 12 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập do không bảo đảm 50% tiêu chí về diện tích, dân số. Tổng số có 20 xã, thị trấn bị ảnh hưởng liên quan đến sáp nhập. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2019, huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thông qua nhiều hình thức như các hội nghị, hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở; cổng thông tin điện tử, truyền thanh lưu động... qua đó, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ cho cử tri, để cử tri hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của việc lấy ý kiến; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri; tạo sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.

Để chủ động triển khai các phương án sáp nhập, UBND huyện tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban; tổ thư ký giúp việc; 9 tổ chỉ đạo đối với 9 cụm xã phải sáp nhập do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng. Ngày 25-3-2019, UBND huyện ban hành Kế hoạch 49/KH-UBND về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, quy trình, thời gian, các bước thực hiện, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ngành, UBND các xã, thị trấn; tổ chức các hội nghị triển khai, thống nhất phương án đặt tên và bố trí trụ sở làm việc đối với các xã, thị trấn sau khi sáp nhập đến lãnh đạo 20 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập; triển khai kế hoạch lấy ý kiến cử tri và hướng dẫn nghiệp vụ lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cho thành viên các tổ chỉ đạo huyện, bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, 117 tổ trưởng các tổ lấy ý kiến cử tri ở 20 xã, thị trấn liên quan đến sáp nhập. 20/20 xã, thị trấn đã lập và niêm yết danh sách cử tri tại các nhà văn hóa thôn và công sở UBND xã, thị trấn. Tổng số cử tri phải lấy ý kiến là 63.290 cử tri thuộc 25.364 hộ gia đình. Ngày 12-5, 117/117 tổ lấy ý kiến cử tri trên địa bàn 20 xã, thị trấn đã đồng loạt tổ chức khai mạc và tiến hành phát phiếu lấy ý kiến. Chỉ trong 1 ngày, 117/117 tổ lấy ý kiến cử tri và 20/20 xã, thị trấn đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri; tỷ lệ cử tri tham gia ý kiến ở các xã, thị trấn đạt 99, 49%; tỷ lệ cử tri đồng ý đạt 98,9%. Công tác tổ chức lấy ý kiến cử tri được diễn ra ổn định, an toàn, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Cán bộ, nhân dân hiểu - khó mấy cũng xong

Nghị quyết triển khai xuống cơ sở phải được thông, từ đó cơ sở cũng có những chương trình hành động riêng để thực hiện. Tinh thần nghị quyết của Trung ương về sắp xếp bộ máy là như vậy, nhưng khi vận dụng vào từng địa phương phải triển khai cụ thể như thế nào, vì công việc này nhạy cảm và “đụng chạm” nhiều vấn đề.

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, phân rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, thực hiện với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, nhất là phải tập trung tốt công tác tư tưởng, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 37. Bám sát kế hoạch của tỉnh, đồng chí Hà Thị Ngân, Trưởng Phòng Nội vụ UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Để tạo sự đồng thuận về tư tưởng, nhận thức, hành động từ trong hệ thống chính trị đến toàn thể xã hội, huyện đã triển khai các văn bản chỉ đạo đến toàn thể cán bộ chủ chốt của huyện và 41 xã, thị trấn trên địa bàn. Quá trình triển khai các phương án sáp nhập xã, sau khi nắm bắt tình hình, tư tưởng của cán bộ, nhân dân và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các đơn vị, cơ bản các đơn vị đều thống nhất với phương án của UBND huyện thông qua. Đơn cử, trước đây, như khi dự thảo lần 1 sáp nhập xã Thọ Minh và xã Xuân Châu, lãnh đạo xã Xuân Châu đồng tình, tuy nhiên cũng có băn khoăn về phân loại xã miền núi sau khi sáp nhập. Sau khi được lãnh đạo huyện giải thích, xã Xuân Châu đã thống nhất với phương án và đề nghị huyện quan tâm, hỗ trợ trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó, trong quá trình triển khai, các vấn đề xây dựng phương án đặt tên cho các xã, thị trấn sau sáp nhập; xử lý tốt vấn đề tài sản, trụ sở làm việc; xem xét, lựa chọn, bố trí cán bộ tốt, có tâm huyết, có trình độ để phục vụ nhân dân, đồng thời phải có chế độ, chính sách thỏa đáng, hợp lý cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập... cũng là những câu hỏi được cán bộ và nhân dân rất quan tâm. Đơn cử như vấn đề xây dựng phương án đặt tên cho các xã, thị trấn sau sáp nhập. Ghi nhận tại xã Xuân Sơn, đồng chí Tống Đình Cường, bí thư đảng ủy xã, chia sẻ: Thực hiện phương án sáp nhập xã Xuân Quang và Xuân Sơn, với tên gọi ban đầu dự kiến là Xuân Quang, bà con nhân dân xã Xuân Sơn không đồng tình. Bà con cho rằng, xã Xuân Quang chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số nên sắp xếp, nhập với đơn vị hành chính cùng cấp xã Xuân Sơn thì phải lấy tên gọi của Xuân Sơn. Sau khi nắm bắt tư tưởng, ý kiến của nhân dân, đảng ủy xã đã báo cáo thường trực huyện ủy để gỡ “nút thắt” về đặt tên mới cho 2 xã. Theo đó, đối với vấn đề này, huyện giao hội sử học huyện cùng với các phòng, ban liên quan nghiên cứu tên gọi, trong đó chú trọng việc sử dụng tên gọi truyền thống. Từ lịch sử hình thành và truyền thống văn hóa của 2 xã, cán bộ và bà con nhân dân 2 địa phương đều thống nhất với tên gọi mới là xã Xuân Sinh.

Việc sáp nhập xã, thị trấn thực tế có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên các đơn vị tiến hành sáp nhập. Vì vậy, đối với vấn đề xem xét, lựa chọn, bố trí được cán bộ tốt, có tâm huyết, có trình độ để phục vụ nhân dân, đồng thời phải có chế độ, chính sách thỏa đáng, hợp lý cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Thọ Xuân quan tâm, chú trọng để có các giải pháp bảo đảm quyền lợi, chế độ, chính sách cho cán bộ nơi thực hiện sáp nhập và thực hiện theo đúng quy định. Đồng chí Hà Thị Ngân cho biết thêm: Trong thực hiện sáp nhập tổng số cán bộ, công chức ảnh hưởng lên đến 231 người (chưa tính đến 209 người hoạt động không chuyên trách). Việc sắp xếp, giảm đơn vị hành chính cấp xã dẫn đến đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dư ra rất lớn. Về vấn đề này, Thường trực Huyện ủy đã giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ UBND huyện rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, nghiên cứu phương án sắp xếp. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37, huyện đã chủ động có văn bản yêu cầu các xã không tuyển dụng mới và không bổ nhiệm mới cán bộ. Trong quá trình thực hiện, huyện đã dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Đối với các xã thiếu bí thư, chủ tịch, đang giao phụ trách, kể cả MTTQ vừa tổ chức đại hội còn thiếu nhân sự thì cũng mới chỉ giao kiêm nhiệm. Huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo theo quy trình mà Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo.

Công việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, tuy nhiên với tinh thần triển khai quyết liệt, chủ động, huyện Thọ Xuân quyết tâm sẽ thực hiện đúng chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, giảm bớt số xã, thu gọn đầu mối gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức...

Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tao-su-dong-thuan-cao-trong-viec-sap-xep-cac-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-tren-dia-ban-huyen-tho-xuan/101764.htm