Tạo sự công bằng cho người dân sau khi mở rộng địa giới hành chính

Khi Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về TTXH - CATP Hà Nội choáng ngợp trước số lượng gần 700.000 quyển sổ hộ khẩu phải đính chính theo địa giới hành chính mới và cùng với đó là gần 2 triệu người phải cấp lại căn cước công dân (CCCD).

Nhưng 10 năm sau đó, không những chỉ đính chính mà toàn bộ hộ khẩu của người dân ở vùng Hà Nội mở rộng cũng đã được cấp mới, người dân ở cả 2 khu vực đã được hưởng những đặc quyền tương đương nhau.

365 ngày... đính chính hộ khẩu

Một thời gian ngắn sau khi TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây cùng một số đơn vị hành chính khác của các tỉnh Vĩnh Phúc và Hòa Bình hợp nhất, ngày 1-1-2009, nhằm đảm bảo thống nhất thực hiện công tác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú và khai báo tạm vắng theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn thành phố, Giám đốc CATP Hà Nội đã có kế hoạch hướng dẫn cụ thể công tác đăng ký cư trú ở các đơn vị mới hợp nhất về Hà Nội.

CAH Chương Mỹ cấp CCCD lưu động cho người dân trên địa bàn

Theo đó, các đơn vị mới hợp nhất về Hà Nội tổ chức đính chính sổ hộ khẩu theo địa giới hành chính mới; xây dựng, củng cố tàng thư hộ khẩu và sổ gốc hộ khẩu tại công an cấp huyện đầy đủ, chính xác, chặt chẽ, thống nhất, phục vụ tốt các yêu cầu công tác nghiệp vụ và nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2009, Công an các huyện, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây hợp nhất về Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận, giải quyết các trường hợp liên quan đến đăng ký hộ khẩu thường trú của công dân tại trụ sở tiếp dân của các đơn vị. Trước mắt, các đơn vị tổ chức tiếp nhận hồ sơ tất cả các ngày làm việc trong tuần và thứ bảy (sáng nhận hồ sơ, chiều trả kết quả), để giải quyết kịp thời nhu cầu của công dân. Công tác đăng ký tạm trú được tiếp nhận giải quyết tại công an các phường, xã, thị trấn.

Thượng tá Phạm Văn Phấn, nguyên Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP Hà Nội thời điểm đó nhớ lại: "Để thực hiện tốt việc chuyển giao sổ gốc đăng ký thường trú từ các xã về CAH quản lý, theo chỉ đạo của CATP, công an các huyện cử cán bộ phối hợp với công an các xã kiểm tra thực trạng toàn bộ số sổ gốc để ký chốt gốc trước khi bàn giao.

Với sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, công an các quận, huyện đã nâng cao hiệu quả công tác, phục vụ người dân

Quá trình kiểm tra, nếu có trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh, các đơn vị phải kiểm tra thống nhất giữa sổ gốc, sổ hộ khẩu và hồ sơ đăng ký để giải quyết. Thời gian tiếp nhận bàn giao sổ gốc từ công an xã về CAH từ ngày 15-12-2008 đến ngày 31-12-2008. Công an các huyện tạo điều kiện để công an các xã có nhu cầu sao sổ gốc phục vụ công tác quản lý dân cư, bố trí người sao chép trước, hoặc sau khi bàn giao".

Cũng theo chỉ đạo của CATP, để triển khai đồng loạt việc đính chính địa chỉ trong sổ hộ khẩu, công an các phường, xã, thị trấn cần làm tốt công tác tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức họp tổ dân phố, thôn, xóm, cụm dân cư hoặc thông qua hệ thống phát thanh của phường, xã thông báo chủ trương, lịch đính chính hộ khẩu.

Tại mỗi trụ sở CAP, thị trấn, cụm dân cư, theo địa bàn công tác của Cảnh sát khu vực (CSKV) bố trí 1 điểm tiếp nhận thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng kiêm trụ sở tuần tra nhân dân. Mỗi thôn, xóm bố trí 1 điểm tiếp nhận thông báo lưu trú, tạm vắng do công an viên phụ trách. Các điểm tiếp nhận mở cửa hoạt động từ 19h30 đến 23h hàng ngày; trụ sở CAP, thị trấn trực tiếp nhận thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng 24/24h.

Các hoạt động tình nguyện phục vụ nhân dân được CATP Hà Nội hướng dẫn, chỉ đạo cho Công an các quận, huyện, thị xã triển khai ngày càng nhiều hơn

“Khi đó chúng tôi dự đoán phải mất 4 năm thì mới có thể đính chính xong toàn bộ số hộ khẩu này, nhưng với quyết tâm của lực lượng công an, tiến độ đã được đẩy lên với mức cao nhất, để người dân không gặp khó khăn khi địa giới hành chính bị thay đổi” - Thượng tá Phạm Văn Phấn kể.

Đặt quyền lợi của người dân lên trên hết

Ông Nguyễn Văn Tự, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: "Khi Hà Tây hợp nhất về với Hà Nội, chúng tôi vui vì sau một buổi sáng ngủ dậy đã thành người Thủ đô, cơ hội về việc làm sẽ nhiều hơn nhưng cũng lo lắng vì cuốn sổ hộ khẩu gia đình vẫn mang địa chỉ cũ. Nhưng cái lo ấy đã bị dẹp bỏ vì chỉ 1 năm sau, hộ khẩu cùa gia đình đã được đính chính vào trang cuối.

Đến năm 2015, chúng tôi còn được CAH Ba Vì tổ chức cấp lại hộ khẩu mới và lực lượng CAH còn xuống tận địa bàn xã để cấp CCCD cho người dân. Trước đó, chúng tôi muốn đi làm CCCD phải đến trụ sở CAH và theo lịch cách ngày, nên nhiều khi đến không đúng lịch lại phải quay về.

Bây giờ thì khác nhiều rồi, ngoài việc về tận xã làm cho người dân, trụ sở cấp CCCD ở CAH cũng khang trang hơn và làm việc hàng ngày, thậm chí cả ngày nghỉ để tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Chúng tôi cảm thấy ngoài niềm vui trở thành công dân Thủ đô, thì người dân còn được hưởng sự công bằng trong giải quyết thủ tục hành chính”.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH CATP Hà Nội thông tin, khi Hà Tây và Hà Nội về chung một nhà, dù trước một “núi” hồ sơ cần sửa chữa, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã có sự đoàn kết, cùng nhau phối hợp nhịp nhàng.

Người dân được hưởng quyền lợi như nhau trong giải quyết thủ tục hành chính

Nhớ những ngày CATP Hà Nội triển khai tập hợp cơ sở dữ liệu dân cư dùng chung vào hệ thống SAM, trong khi các quận, huyện Hà Nội (cũ) đã nhập xong theo đúng và vượt tiến độ thì các huyện của Hà Tây (cũ) và các tỉnh Vĩnh Phúc, Mê Linh do lực lượng mỏng nên không kịp đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của những người đồng nghiệp cùng thành phố. Có những đơn vị Công an quận nội thành đã hỗ trợ CAH ngoại thành nhập dữ liệu tới hàng vạn phiếu, đảm bảo tiến độ thu thập dữ liệu dân cư theo đúng yêu cầu đề ra.

Cùng với đó, trong vòng 5 năm gần đây, các chương trình "Thắp lửa tình nguyện vì nhân dân phục vụ; Tuổi trẻ hành động vì cộng đồng; Ngày chủ nhật tình nguyện" do Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ CATP tổ chức đã được triển khai ở nhiều địa bàn, thể hiện sự quan tâm, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết của lực lượng Công an Thủ đô. Trong những chương trình này, người dân được cấp CCCD, tư vấn về thủ tục làm hộ khẩu, cấp hộ chiếu và với những người già cả, khó khăn khi đi lại còn được lực lượng công an đến tận nhà để làm thủ tục cấp CCCD.

10 năm đã qua kể từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, cùng với các thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội, đầu tư, an ninh quốc phòng ổn định, không thể không nhắc tới những “chiến công” thầm lặng của những người chiến sỹ Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP Hà Nội trong việc đính chính sổ hộ khẩu, cấp mới CCCD cho người dân khi thay đổi địa giới hành chính.

Châu Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tao-su-cong-bang-cho-nguoi-dan-sau-khi-mo-rong-dia-gioi-hanh-chinh/775946.antd