Tạo sinh kế bền vững cho vùng dân tộc thiểu số

Cuối năm 2019, những xã, thôn cuối cùng của Quảng Ninh đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn (diện 135). Đó là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ về hạ tầng, giống, vốn, khoa học kỹ thuật, tạo sinh kế bền vững để người dân dần thay đổi tư duy, cách làm, từ đó nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Mô hình nuôi gà của gia đình chị Bàn Thị Phượng, thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long.

Mô hình nuôi gà của gia đình chị Bàn Thị Phượng, thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long.

Khe Phương là thôn vùng sâu, xa, khó khăn nhất của xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long). Trước kia, do giao thông cách trở, người dân loay hoay trong bài toán thoát nghèo. Rừng được giao đến mỗi gia đình không ít, nhưng giá trị không cao, bởi mỗi mùa thu hoạch đều bị ép giá vì chi phí vận chuyển quá lớn. Từ năm 2019 đến nay, nhờ được hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, người dân Khe Phương có đường giao thông thuận tiện, được tiếp cận với các mô hình kinh tế mới, quy mô lớn hơn. Nhờ vậy đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu và tư tưởng trông chờ, ỷ lại - vốn là một rào cản lớn nhất trong công tác giảm nghèo ở những địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Câu chuyện thoát nghèo của gia đình chị Bàn Thị Phượng (thôn Khe Phương) là một điển hình như thế. Vốn chỉ biết nghề làm ruộng, chị Phượng cũng quen với cảnh sống bấp bênh, bữa no bữa đói. "Nhiều năm liền, gia đình tôi nằm trong diện hộ nghèo của xã. Nếu không có chương trình vốn vay hộ nghèo và sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi không biết khi nào mới thay đổi được cuộc sống của mình" - chị Phượng chia sẻ.

Năm 2019, từ 30 triệu đồng vốn vay đầu tiên, chị Phượng bắt tay vào chăn nuôi gà. Thời điểm đó, mô hình nuôi gà của chị có 250 con. Khoản lãi đầu tiên, chị dùng để trả nợ ngân hàng, trang trải cuộc sống và tiếp tục vay thêm để đầu tư chuồng trại, tăng đàn. Đến nay, sau gần 2 năm, gia đình chị Phượng đã trở thành hộ chăn nuôi gà quy mô lớn nhất thôn.

Người dân thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) làm thuê tại trang trại hoa Cao Sơn, thuộc HTX Hoa Bình Liêu.

Với trợ lực của tỉnh, của địa phương, ở nhiều địa bàn miền núi, người dân đã mạnh dạn làm quen với các mô hình kinh tế mới. Đó là mô hình du lịch cộng đồng, homestay ở các xã Đồng Văn, Hoành Mô (huyện Bình Liêu), hay sự thay đổi thói quen của người dân Cao Sơn (xã Hoành Mô) khi chuyển từ đi rừng, làm thuê kiếm sống qua ngày, nay đã biết học cách trồng và chăm sóc các loài hoa theo đúng kỹ thuật. Họ cũng đang làm quen với những dịch vụ du lịch và từng bước thay đổi tư duy, tập quán lạc hậu để tiếp cận với mô hình kinh tế mới.

Bên cạnh hỗ trợ sản xuất với các mô hình kinh tế hiệu quả, để tạo sinh kế bền vững, lao động miền núi còn được tiếp cận với những lớp đào tạo nghề. Đồng thời, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã chi gần 1.400 tỷ đồng để xây dựng gần 700 công trình hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số. Trong đó có 285 công trình giao thông nông thôn. Những công trình được đầu tư đã phục vụ trực tiếp cho sản xuất và tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân miền núi.

Con đường bê tông trục thôn Đồng Cậm (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) hoàn thành giai đoạn 1. Trong ảnh: Cán bộ địa chính xã và Bí thư chi bộ, Trưởng thôn trao đổi về giai đoạn 2 sắp thi công của con đường.

Ông Triệu Đức Cương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long), cho biết: Từ ngày đường được mở, giá keo ở đây cao hơn trước nhiều. Bà con cũng phấn khởi, tích cực trồng rừng, làm kinh tế, chuyển đổi các mô hình sản xuất. Kỳ Thượng đã thoát khỏi diện 135, thế nhưng cái khó nhất trong hành trình làm giàu chính là khoảng cách quá xa trung tâm, không có nhà đầu tư, không có nguồn thu lớn.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, thu nhập bình quân của người dân vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh đã tăng từ mức 12,75 triệu đồng/người (năm 2015) lên 32,62 triệu đồng/người (năm 2019).

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ngoài cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, người dân - chủ thể của những chính sách giảm nghèo cần phải vượt qua tâm lý thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Có thể khẳng định, các chính sách dân tộc đã được Quảng Ninh triển khai thành công trong thời gian qua, trở thành điểm sáng của cả nước. Với các giải pháp thiết thực để nâng cao thu nhập cho người dân vùng dân tộc thiểu số, tỉnh đã thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Thành công này một lần nữa khẳng định sự nỗ lực và cách làm hiệu quả của hệ thống chính trị toàn tỉnh trước một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202012/tao-sinh-ke-ben-vung-cho-vung-dan-toc-thieu-so-2512635/