Tạo sân chơi công bằng với thực phẩm chức năng

Hiện nay, trên thị trường có gần 11.000 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) với hơn 4.100 cơ sở tham gia kinh doanh, sản xuất TPCN. Số lượng lớn cũng đồng nghĩa việc kiểm soát, quản lý chất lượng TPCN vô cùng khó khăn.

Trăm hoa đua nở

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN. Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn không khác gì hàng chính hãng.

Nhà máy sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn GMP (ảnh minh họa). Ảnh: L.M

"Để đáp ứng được tiêu chuẩn của GMP, doanh nghiệp phải đáp ứng không chỉ quy mô sản xuất mà còn cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, con người và quy trình quản lý... đều phải thay đổi theo tiêu chuẩn GMP. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải có GMP”.

TS.Phạm Hưng Củng

Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN mất phương hướng, làm ăn thiếu hiệu quả. TS Phạm Hưng Củng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển TPCN với hơn 4.000 thảo dược, 9.000 cây làm thực phẩm truyền thống. “Tiềm năng phát triển sản xuất TPCN của Việt Nam là rất lớn. Nhưng cần phải có những chính sách quản lý, tổ chức thị trường để đảm bảo có những sản phẩm TPCN đạt chất lượng cao” – TS Củng nói.

Cơ sở đạt GMP mới được sản xuất

Ông Trần Văn Châu (Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế) cho biết, để siết chặt thị trường TPCN chia sẻ: “Tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo quá mức đã ảnh hưởng phần nào đến sản xuất kinh doanh TPCN, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng". Nghị định 15/2018 có nội dung quy định từ ngày 1.7.2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN và thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP, với các điều kiện tiệm cận điều kiện sản xuất thuốc. Đây được coi là công cụ để ngăn chặn các thực phẩm kém chất lượng lọt ra thị trường. Theo ông Châu, điều này đồng nghĩa nếu sau 1.7.2019, các doanh nghiệp sản xuất TPCN không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất. Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất TPCN ở nước ngoài, có sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, nếu không đạt tiêu chuẩn GMP cũng không được lưu hành sản phẩm.

“Đây sẽ là cuộc chơi bình đẳng bởi nếu doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện thì không thể vào Việt Nam được. Với tiêu chuẩn GMP, tình trạng làm ăn gian dối, đưa các chất cấm vào TPCN sẽ bị loại bỏ, tình trạng chỉ mấy mét vuông cũng sản xuất TPCN sẽ được chấm dứt” – ông Châu nói thêm. TS Củng cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn của GMP có nghĩa doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang các thị trường khác thuộc ASEAN, chưa nói đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn tại các thị trường như Mỹ, châu Âu...

Lê Mai

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/y-te/tao-san-choi-cong-bang-voi-thuc-pham-chuc-nang-917638.html