Tạo 'sân chơi' cho HS 'chưa ngoan, chưa chăm'

Cùng với quá trình xây dựng phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực, nhiều trường học đã tạo ra nhiều 'sân chơi' cho đối tượng HS 'chưa ngoan, chưa chăm', giúp các em giải phóng năng lượng, hòa nhập hơn với những hoạt động trong nhà trường.

Với những đối tượng này, điều khó khăn nhất của ngành Giáo dục, của các GV đứng lớp… không phải ở chỗ truyền thụ kiến thức cho HS mà làm sao để truyền cho các em niềm ham mê khám phá, học hỏi, mong muốn được đến trường…

Trao yêu thương - nhận lại ngọt ngào

Buổi tư vấn tâm lý giáo dục của Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) khiến cho những ai tham dự không khỏi cảm động. Ở đó, không có sự hô hào, không có những lời rao giảng chung chung của thầy cô giáo… Những HS - theo như cách gọi của cô hiệu trưởng - không phải là những HS cá biệt - mà là “gặp sự cố và đã khắc phục được”. HS, và cả cô giáo đều rơi nước mắt vì những tiến bộ, dù là nhỏ trong quá trình “điều chỉnh” thái độ học tập, những ứng xử với thầy cô và bạn bè…

Trần D.T. (HS lớp 12) vốn trước đây thường xuyên vắng học không phép, đi học trễ, không đúng tác phong, gây gổ đánh nhau với bạn bè, hút thuốc… “Thành tích” này đã khiến 2 năm học liên tiếp T. bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Thế nhưng, qua hết học kỳ I năm học 2018 - 2019, T. đã có những tiến bộ trong học tập, đi học chuyên cần, ghi chép bài đầy đủ, tham gia phát biểu xây dựng bài và không tham gia các hoạt động gây rối, đánh nhau trong và ngoài trường học.

Ngày nhận kết quả đủ điểm tốt nghiệp THPT, T. vui một thì giáo viên chủ nhiệm và cô hiệu trưởng vui mười. Đinh H.A.N. cũng là một trường hợp cần có sự “ưu tiên” đặc biệt như cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Cách mà N. chọn để quên đi những xung đột với bố mẹ là sa đà vào game đến mức bỏ bê học hành, từ một HS khá rớt xuống học lực yếu, phải thi lại nhiều môn. Nhắc lại những ngày tháng trượt dài theo game, A.N. - giờ đã là tân SV Trường ĐH Thể dục Thể thao Đà Nẵng chỉ cười ngượng gãi đầu.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ cho biết, đầu mỗi năm học, BGH Trường THPT Nguyễn Hiền đều quán triệt đến các GVCN phải kịp thời nắm bắt được những HS “yếu thế” như có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn hoặc HS mồ côi, HS mất căn bản về chương trình học, HS chưa ngoan… để tìm hiểu nguyên nhân từ đó có những phương pháp giúp các em điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

“Cách tiếp cận với mỗi em cũng khác nhau nhưng đều xuất phát từ sự chân thành, tình thương thực sự đối với các em. Một khi “được” HS tin cậy mới mong “lôi kéo” các em ra khỏi những hành vi lệch chuẩn. Kiên nhẫn mỗi ngày một ít như thế, và nhất định không được áp đặt, cũng không được buông trôi những HS này, dần dà, các em đã có những tiến bộ trong rèn luyện. Tất nhiên, trong quá trình đấy, hầu như HS nào cũng có những phản ứng khi GV tiếp cận nên chỉ cần mình nản lòng là “mất” HS ngay tức thì” - cô Huệ tâm sự.

Lắng nghe và thấu hiểu

Cô Minh Huệ cho rằng: Đối với những HS học yếu, còn có thể bồi dưỡng, kèm cặp để cho các em tiến bộ; còn những em HS có hoàn cảnh đặc biệt hoặc chưa ngoan thì rất đáng lo ngại nếu GV và nhà trường buông tay hoặc không kịp thời đồng hành, bên cạnh các em.

Trong rất nhiều hội thảo về GD đạo đức HS đã được Đà Nẵng tổ chức, các nhà quản lý giáo dục đã chỉ ra những nguyên nhân cụ thể của tình trạng vi phạm đạo đức HS, bạo lực học đường như: Cha mẹ lo làm ăn, thiếu quan tâm đến con cái, nuông chiều con quá, chỉ biết giao khoán cho nhà trường…

Thế nên, ở một góc độ khác, những HS lệch chuẩn này cũng là một kiểu nạn nhân của hoàn cảnh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng HSSV vi phạm pháp luật có nguy cơ tiềm ẩn gia tăng là do sự yếu kém trong việc nắm bắt tâm lý, diễn biến tình cảm của thanh thiếu niên, trong đó có HSSV của các bậc cha mẹ, nhà trường, của ngành GD-ĐT và các ban ngành chức năng còn yếu… Tiếp cận và quan tâm trẻ không đúng cách, cũng là một trong những hoàn cảnh có điều kiện để đưa đẩy các em rơi vào những trường hợp đáng tiếc.

Cô Minh Huệ cho biết, ngoài hoạt động tư vấn tâm lý, nhà trường còn tổ chức nhiều câu lạc bộ, đội nhóm như CLB Mực tím, Âm nhạc, Thể thao, tổ chức các hoạt động vui chơi như trò chơi dân gian, văn nghệ, tập kịch… với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, hạn chế bớt thời gian đi chơi của những HS này. Từ những hoạt động nhỏ này sẽ giúp các em tự tin tham gia vào các hoạt động lớn của trường tổ chức như Ngày hội sản phẩm tái chế bảo vệ môi trường, hội diễn văn nghệ…

Trong rất nhiều diễn đàn về giáo dục, đã có ý kiến cho rằng, nếu thực sự thầy, cô giáo chịu khó dành chút thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư của HS thì bức tranh học đường sẽ ít nhiều có sự thay đổi. Một khi nếu đúng thầy cô giáo là chỗ dựa tinh thần của học sinh thì sẽ cảm hóa được những học trò “lệch chuẩn”, chưa ngoan, chưa chăm, bởi một chân lý đơn giản rằng những gì từ trái tim thì sẽ đến được trái tim.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tao-san-choi-cho-hs-chua-ngoan-chua-cham-3948025-b.html