Tạo ra những đột phá trong ngành LĐ,TB&XH

Xét về tổng quan trong ASEAN và thế giới, Việt Nam được đánh giá là làm tốt hơn về chi tiêu cho an sinh xã hội, mức đầu tư chiếm 21% tổng chi ngân sách, cao nhất trong các khối ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ&TBXH) Đào Ngọc Dung - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ&TBXH) Đào Ngọc Dung - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ&TBXH) Đào Ngọc Dung cho biết thông tin này trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 ngày 11/1 tại Hà Nội.

Theo đó, các chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng năm 2020 Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN và 77/158 quốc gia về đảm bảo bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ.

Có thể nói, trong 5 năm qua, toàn ngành kiên trì thực hiện các mục tiêu, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, đồng thời tạo ra những đột phá, tạo dấu ấn nổi bật.

Dẫn khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương (báo cáo ngày 05/01/2021) về kết quả 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng cho biết, niềm tin của nhân dân về chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công tỉ lệ đánh giá tốt chiếm 72%.

Về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tỉ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc.

"Đây có thể nói là kết quả vô giá của chúng ta về sự quan tâm và kết quả nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai các chính sách an sinh xã hội", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nêu rõ.

Với những kết quả đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện cùng với những nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, "đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ", Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.

Với phương châm "Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Phát triển", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, toàn ngành tập trung triển khai giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt các nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và mục tiêu, nhiệm vụ trong tâm của năm 2021.

Giai đoạn 2021-2025, ngành LĐ&TBXH xác định sẽ phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, đáp ứng nhu cầu về cơ bản và cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân; góp phần đảm bảo công bằng xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau. Nội dung này đã được thể hiện trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ "hậu COVID"; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhất là khi mà một số vấn đề mới như chính sách tiền lương, kéo dài tuổi nghỉ hưu, vấn đề phát triển các quan hệ lao động, hình thành tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đã được quy định tại Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, nhất là sau khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công sửa đổi có hiệu lực thi hành; quan tâm, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Bảo vệ và kiên quyết xử lý các hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em và phụ nữ.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/tao-ra-nhung-dot-pha-trong-nganh-ldtbxh/419522.vgp