Tạo ra hơn 2.000 việc làm cho người lao động

Sau 8 năm được tiếp nhận, tái cấu trúc và tái khởi động, mỏ đa kim Núi Pháo hiện là một trong những điểm sáng về đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên. Giá trị đầu tư của Masan vào mỏ Núi Pháo thông qua công ty Masan Resources đến nay đã gần 1 tỷ USD.

Toàn cảnh mỏ Núi Pháo.

Toàn cảnh mỏ Núi Pháo.

Mỏ Núi Pháo và tinh thần “Vietnam Can Do”

Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo thuộc Masan Resources nằm trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có mức đầu tư gần 1 tỷ USD tính đến nay. Đây là một trong những dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam với trữ lượng khoảng 83 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismut và đồng trên diện tích 720ha.

Ngày 18/6/2010, sau khi tiếp nhận mỏ Núi Pháo từ nhà đầu tư nước ngoài, Masan đã tổ chức lễ Tái khởi động với sự chứng kiến của vài chục cán bộ, nhân viên ban đầu. Khi đó, nếu bản lĩnh và niềm tin của lực lượng cán bộ, nhân viên vào dự án không vững chắc thì Núi Pháo đã không chuyển mình và trở thành một trong những dự án đầu tư thành công tại tỉnh Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Masan Group cho biết: “Chúng tôi tự hào là doanh nghiệp của Việt Nam - vì Việt Nam. Và là doanh nghiệp thành công ở Việt Nam. Bằng bản lĩnh và niềm tin, những cán bộ công nhân viên tràn đầy khát vọng, sự nhiệt huyết và niềm tin “Vietnam Can Do” – Việt Nam có thể thực hiện thành công dự án vô cùng lớn và đầy thách thức này.”

Hiện nay, dự án Núi Pháo đang sử dụng hàng trăm chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm vận hành mỏ, chế biến và tinh luyện công nghệ cao và đã tạo ra hơn 2.000 lao động trong nước và tại địa phương, xác lập chuẩn mực mới trong ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam. Hàng ngàn nhân viên đã góp phần đánh thức tiềm năng mỏ Núi Pháo và vận hành thành công mỏ vonfram lớn nhất thế giới của Việt Nam.

Ngày 18/6/2018 vừa qua, Masan Resources đã kỷ niệm 8 năm tái khởi động dự án Núi Pháo. Doanh thu năm 2017 của công ty đạt hơn 5.400 tỷ đồng, mục tiêu doanh thu cả năm 2018 là 8.000 tỷ đồng, tăng 60%. Trong giai đoạn 2015-2017, công ty đã đóng góp 3.200 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh Thái Nguyên và Nhà nước.

Trong suốt thời gian triển khai dự án, Masan Resources đóng góp hàng năm 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội tại Tỉnh Thái Nguyên. Hơn 2.800 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đã được hỗ trợ toàn bộ chi phí để tái định cư. Công ty cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu tái định cư tại huyện Đại Từ được đánh giá là cảnh quan đẹp và có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt nhất tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, Công ty luôn quan tâm và nỗ lực thực hiện các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Bình quân mỗi ngày, các đối tác quan trắc môi trường quốc tế tiến hành lấy hàng chục mẫu thử để kiểm tra, đảm bảo các cam kết về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Mỏ đa kim Núi Pháo đang là mô hình mẫu cho ngành công nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam, gây ấn tượng với các thành viên của Nhóm đặc trách về khai khoáng của phái đoàn APEC đã hết sức ấn tượng trước cách tổ chức và quản lý mỏ Núi Pháo.

Chiếm 36% thị phần vonfram

Hiện nay, nguồn cung vonfram trên toàn cầu chủ yếu từ hai nguồn: Trung Quốc (chiếm phần lớn thị phần) và ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các chính sách kiểm soát tài nguyên môi trường của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng đến nguồn cung vonfram toàn cầu. Do đó, các đối tác đang dần chuyển sang các nguồn cung vonfram ngoài Trung Quốc nhằm dễ tiếp cận hơn với loại kim loại chiến lược này. Trong các nhà sản xuất vonfram ngoài Trung Quốc, mỏ Núi Pháo của Masan Resources là mỏ vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.

Mỏ Núi Pháo hiện đang trở thành nhà chế biến sâu hóa chất công nghiệp và kim loại với quy mô toàn cầu, chiếm 36% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc. Việc dự án Núi Pháo đi vào vận hành còn là một cột mốc quan trọng có ý nghĩa quốc tế vì Núi Pháo là mỏ vonfram mới đầu tiên trên thế giới chính thức đi vào hoạt động trong vòng 15 năm qua, với ưu điểm là mỏ lộ thiện và là một trong những nhà máy Vonfram có chi phí sản xuất thấp.

Vonfram là nguyên tố thiết yếu được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng, được dùng trong động cơ tên lửa, máy bay, ô tô, máy tính, điện thoại di động và quốc phòng. Do tầm quan trọng chiến lược của vonfram, việc Masan Resources sở hữu và vận hành thành công một mỏ vonfram lớn hàng đầu thế giới cho thấy tầm vóc của một doanh nghiệp Việt Nam trong việc gia nhập chuỗi giá trị vonfram toàn cầu. Đồng thời, vị thế của Việt Nam trong mắt của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới ngày càng được cải thiện, trở thành một nhà cung cấp các loại hóa chất công nghiệp thiết yếu tin cậy hàng đầu.

Nguồn cung vonfram từ Trung Quốc bị thu hẹp đã tác động đến giá hàng hóa trên thế giới. Giá APT châu Âu thấp (một loại hóa chất từ vonfram) đã tăng 67% lên 319 USD/mtu trong Quý 1/2018 so với mức 191 USD/mtu so với cùng kỳ 2017. Nhờ vào những tác động tích cực kể trên, MSR dự báo doanh thu thuần trong Quý 2/2018 sẽ tăng khoảng 35% lên khoảng 1.900 tỷ đồng so với 1.487 tỷ đồng trong Quý 1/2017, và EBITDA trong Quý 2/2018 cũng sẽ tăng 35% lên 890 tỷ đồng từ 785 tỷ đồng trong cùng kỳ 2017. Doanh thu cả năm 2018 dự kiến đạt 8.000 tỷ đồng.

Có thể nói, Masan Resources đã trở thành hình mẫu về khai thác khoáng sản bền vững và phát triển xã hội, chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư và cộng đồng địa phương. Masan Resources đã góp một phần vào phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên và là điểm nhấn cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

V.PHÚ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tao-ra-hon-2000-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-616760.ldo