Táo Quân ngày càng nhạt, thương hiệu trào phúng bị đánh mất

Đã hơn 15 năm qua, chương trình Gặp nhau cuối năm của VTV (Táo Quân) trở thành món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của rất nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, khi Táo quân 2019 vừa kết thúc, chương trình đã nhận rất nhiều ý kiến chỉ trích về chất lượng nội dung kịch bản.

Chặng đường 16 mùa Táo đã nhận được khá nhiều tình cảm mến mộ của khán giả, tuy nhiên, nội dung của các mùa Táo không phải năm nào cũng đặc sắc và làm thỏa mãn sự mong đợi của khán giả.

Lối mòn tư duy, khai thác chưa sâu

Với số đông khán giả, Táo Quân là chương trình được mọi người mong ngóng mỗi tối 30 Tết, như một món đặc sản không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, sau những mùa Táo thành công, Táo Quân cũng bắt đầu có dấu hiệu của sự đuối sức với format có phần cũ kỹ.

Nhiều vấn đề gai góc trong năm đã không được đề cập, chưa làm thỏa sự mong đợi của khán giả. Do vậy, tiếng cười cũng bị vơi đi đôi phần.

Mặc dù cũng có những câu nói hài hước nhưng Táo Quân 2019 nhưng chưa thực sự làm thỏa mãn người hâm mộ, khi nội dung bị đánh giá là nhạt, chưa đánh sâu vào các vấn đề của xã hội như trước, dẫn đến cảm giác nhàm chán.

Đây không phải là lần đầu tiên Táo Quân nhận chỉ trích sau khi phát sóng, trước đây cũng đã có những năm kịch bản bị chê nhạt, không có điểm nhấn... Tuy nhiên, chương trình Táo Quân 2019 đang bị khán giả đánh giá là nhàm chán nhất, các Táo chưa có “đất diễn” nhiều.

Táo Quân ngày càng nhạt, không còn đủ sức tải những vấn đề gai góc được xã hội quan tâm.

Táo Quân ngày càng nhạt, không còn đủ sức tải những vấn đề gai góc được xã hội quan tâm.

Phải chăng, Táo Quân sau chặng đường hơn 15 năm đã cạn kiệt ý tưởng, khán giả đã “đọc vị” diễn biến, kết quả buổi chầu, nhàm chán với lối diễn cũ kỹ, gượng ép ý trong từng câu thoại, chọc cười một cách xàm xí, mà lại đưa quảng cáo nhãn hàng lộ liễu.

Bản thân các diễn viên phải gồng mình lên diễn mà hiệu quả mang lại chưa đạt đến sự hài hước thực sự để khán giả phải bật cười. Nội dung năm nay khá sơ sài, có ít Táo, chưa đi sâu vào thực tế, hài chẳng ra hài, chính luận không ra chính luận.

Chưa hết, nhiều nội dung được đưa vào một cách khiên cưỡng, thậm chí thiếu tế nhị, đánh mất sức hút và vị trí của một chương trình tầm cỡ trong lòng khán giả.

Đầu tiên là việc lạm dụng sự bôi bác cá nhân khi Bắc Đẩu hóa thân thành một đại gia cà phê hướng thiền hướng Phật. Kịch bản vấp phải sự chỉ trích của nhiều khán giả khi đây là việc cá nhân của đại gia kia, ông không phải quan tham, không gây phương hại đến ai mà cũng bị đem ra làm trò cười.

Một khán giả đã phải thốt lên bức xúc: “VTV - họ nghĩ họ là ai, là cái gì mà bắt chước, miệt thị, làm trò cười một doanh nhân với y chang vẻ ngoài và câu “người anh em thiện lành”? Điều ấy lố bịch và thiếu văn hóa hết sức”.

Nhiều nội dung đưa vào khiên cưỡng, đánh mất sức hút của chương trình.

Chương trình năm nay nhạt đến mức buồn ngủ và cần “thọc néc cho cười”. Nhiều khán giả chia sẻ họ đã chuyển kênh khi Táo quân mới chỉ phát chưa đầy 30 phút vì quá tẻ nhạt. Với mô típ cũ, dàn diễn viên không thay đổi, nhiều khán giả cảm thấy Táo Quân không còn gây bất ngờ, thú vị và hấp dẫn như những mùa đầu tiên.

Không chỉ vậy, việc lồng ghép quá nhiều nhãn hàng với mục đích quảng cáo của Táo Quân khiến những khán giả vốn yêu thích chương trình cũng phải ức chế, có cảm giác “ngộp thở” trong quảng cáo.

Đặt nhiều kỳ vọng vào một chương trình đặc sắc một năm mới có một lần vào đêm Giao thừa, nhưng nhiều khán giả phải tỏ ra tiếc nuối sau chương trình. Điều đong lại trong lòng khán giả lại là những “hạt sạn”: Quảng cáo quá lố, nội dung không sâu…

Đánh mất niềm tin nơi khán giả

Quá thất vọng bởi sự hy vọng, mong chờ một chương trình “đặc sản” Tết Nguyên đán, lại không đáp ứng được những cung bậc cảm xúc, nhiều khán giả vốn gắn bó và theo dõi qua nhiều mùa Táo đã có ý định bỏ, không háo hức đón xem đêm 30 nữa.

Nhìn lại những mùa Táo đầu tiên, khi mới xuất hiện chương trình với cái tên “Gala Gặp nhau cuối năm”, hàng triệu khán giả trong cả nước đã háo hức theo dõi từng diễn biến trên sân khấu, trên sóng truyền hình.

Đó là những mảng miếng trào phúng sâu cay, khai thác nhiều vấn đề nổi cộm trong năm, mượn tiếng cười để nói lên tiếng lòng của người dân, khiến khán giả tâm đắc và in một dấu ấn trong lòng mỗi người Việt Nam, như một mốc đáng nhớ của một năm âm lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những mùa Táo “bội thu” cảm xúc, có khá nhiều năm, Táo Quân được biểu diễn qua loa, nội dung thiếu sự chắt lọc, những vấn đề quan trọng trong phát triển đất nước chưa được khai thác tỉ mỉ, “bỏ lỡ” nhiều vấn đề mà khán giả quan tâm.

Những bài hát “chế” trong phần báo cáo của các Táo với Ngọc Hoàng cũng không còn được đầu tư như trước, Táo Quân 2019 đưa ra những bài hát không mấy ấn tượng, thiếu sự lắng đọng, nội dung thiếu “tiếng vang”.

Chính vì lẽ đó, nhiều khán giả tiếc nuối khi chương trình yêu thích trở nên không còn mặn mà, không đủ sức truyền tải hết những thông điệp qua những bản báo cáo tổng kết bằng nghệ thuật biểu diễn như trước. Khán giả đã không còn háo hức chờ đợi món ăn đặc sản trên bàn tiệc tinh thần.

Táo Quân cần thay đổi để lấy lại vị trí trong lòng khán giả.

Nhiều khán giả cho rằng, nếu sang năm mới, ekip chương trình làm không đến nơi đến chốn, gây hụt hẫng cho người xem, cách đề cập, khai thác vấn đề nhàn nhạt qua loa... không hề như mong đợi của nguồi hâm mộ thì nên ngừng sản xuất chương trình.

Táo Quân có lẽ đã đến lúc cần tìm kiếm một format mới hơn, hoặc tìm kiếm thêm những gương mặt mới, “mạnh dạn” trau chuốt kịch bản hơn để vừa giữ vững thương hiệu của tiếng cười trào phúng tử tế, vừa có sức hấp dẫn và hứng khởi hơn, xứng tầm một chương trình trước thời khắc Giao thừa.

Bên cạnh đó, chương trình quảng cáo không nên “ép” các Táo thể hiện lộ liễu gây phản cảm.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ta-o-quan-nga-y-ca-ng-nha-t-thuong-hie-u-tra-o-phu-ng-bi-da-nh-ma-t-a421247.html