Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang thực hiện mô hình 'đào tạo kép' nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố. Theo đó, nhà trường phối hợp doanh nghiệp trong dạy nghề, tăng thời lượng thực hành lên 70%, chỉ còn 30% thời lượng cho việc học lý thuyết.

Các cơ sở dạy nghề ở TP Hồ Chí Minh đang gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Trong ảnh: Giảng viên và sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng tr

Các cơ sở dạy nghề ở TP Hồ Chí Minh đang gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Trong ảnh: Giảng viên và sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng tr

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang thực hiện mô hình “đào tạo kép” nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố. Theo đó, nhà trường phối hợp doanh nghiệp trong dạy nghề, tăng thời lượng thực hành lên 70%, chỉ còn 30% thời lượng cho việc học lý thuyết.

Tăng thực hành, giảm lý thuyết

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lý cho biết, nhà trường có mối liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện “đào tạo kép”. Từ năm 2012, hằng năm, các thầy cô giáo dạy nghề của nhà trường đều đến doanh nghiệp làm việc từ ba đến sáu tháng. Điều này giúp thầy cô nắm bắt kịp thời trình độ công nghệ, nhu cầu của doanh nghiệp để trở về dạy sinh viên của mình những gì doanh nghiệp cần. Sinh viên cũng được đưa tới thực hành trong doanh nghiệp ở các khóa “học kỳ doanh nghiệp”, vừa học vừa thực hành rèn luyện tay nghề. Nhờ đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp cho nên ra trường, cơ hội việc làm của học sinh, sinh viên rất lớn, phần lớn đều có việc làm. Nhà trường còn xác định chuẩn tiếng Anh đầu ra cho sinh viên và trang bị cả tiếng Nhật, tiếng Hàn để các em có thể đi xuất khẩu lao động, làm việc ở nước ngoài.

Theo Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Tuyền, việc “đào tạo kép” được thực hiện phù hợp các ngành nghề. Trường phối hợp doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo mang tính thực tiễn cao. Các sinh viên sẽ được thực tập, trải nghiệm thực tế ở các doanh nghiệp, có cơ hội được học tập và làm việc với các chuyên gia, kỹ sư của doanh nghiệp. Tại Trường cao đẳng Kỹ nghệ II thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhờ sự thay đổi lớn trong đào tạo (gắn kết, cùng doanh nghiệp đào tạo và đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp) đã giúp người học nghề có môi trường rèn luyện thực tế ngay từ khi học. Có tay nghề vững vàng, tất cả sinh viên ra trường đều có việc làm, thậm chí, đào tạo không đáp ứng kịp nhu cầu của doanh nghiệp. “Người tốt nghiệp đại học có thể thất nghiệp, nhưng người học nghề thì rất hiếm khi thất nghiệp. Chúng tôi đào tạo ra đến đâu, doanh nghiệp nhận hết đến đó. Thu nhập của người lao động tốt nghiệp trường nghề nhiều khi còn cao hơn cả giáo viên dạy nghề trong trường”, TS Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Hơn 80% số người học nghề có việc làm

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thành phố hiện có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm, các cơ sở đào tạo 489.340 học sinh, sinh viên. Trong đó, tuyển sinh, đào tạo phục vụ bốn ngành công nghiệp trọng yếu là hơn 52.000 người (chiếm hơn 11%); chín ngành dịch vụ chủ yếu là gần 222.000 người (chiếm gần 48%). Tám ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN là hơn 7.700 người (chiếm gần 1,7%) và các ngành nghề đào tạo khác là 181.000 người. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Lê Minh Tấn cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giới thiệu, giải quyết việc làm, thành phố đã triển khai đến các trường cao đẳng, trung cấp việc tổ chức đào tạo theo mô hình “đào tạo kép”. Trong đó, 30% thời lượng học lý thuyết và 70% thời lượng học thực hành tại các doanh nghiệp. Toàn bộ 13 trường cao đẳng, trung cấp được lựa chọn xây dựng chất lượng cao và trường nghề có trọng điểm trên địa bàn thành phố đều đang thực hiện hiệu quả việc đào tạo theo mô hình “đào tạo kép” với sự giúp sức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Cùng với đó, Sở triển khai “Điều tra khảo sát yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu học nghề đến năm 2020” làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội và yêu cầu thị trường lao động.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng chú trọng vào chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo, thực hiện mô hình “đào tạo kép”, “học kỳ doanh nghiệp” nhằm giúp sinh viên tiếp cận với công việc thực tiễn tại các doanh nghiệp. Đồng thời, quan tâm đào tạo kỹ năng mềm, ngoại ngữ cho sinh viên nhằm giúp sinh viên có được việc làm sau khi tốt nghiệp. Hơn 80% số người học nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, làm đúng ngành nghề đào tạo, một số sinh viên có khả năng mở doanh nghiệp. Nhiều ngành, nghề như cơ khí, công nghệ thông tin, xây dựng…, toàn bộ sinh viên học nghề tốt nghiệp là có việc làm. Việc đào tạo nghề gắn với thực tế các quy trình và công nghệ vận hành sản xuất của doanh nghiệp cũng giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy; sinh viên, học sinh nhận thức, định hướng đúng đắn về kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, tạo tiền đề tốt cho sự phát triển nghề nghiệp khi ra trường. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia quá trình đào tạo của các đơn vị cũng có điều kiện tuyển dụng nhân sự phù hợp yêu cầu sản xuất, kinh doanh, tránh việc phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung nhân lực sau khi tuyển dụng.

Để công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, từ nay đến năm 2020, thành phố đẩy nhanh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tầm nhìn đến năm 2030. Thành phố củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng vào chất lượng đào tạo, nhất là “đào tạo kép”, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp các hiệp hội ngành nghề về đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp trong việc xác định mục tiêu đào tạo, nhu cầu, yêu cầu đối với nhân lực; tổ chức lao động thực tập, cử chuyên gia kỹ thuật tham gia đào tạo, chuyển giao công nghệ, đánh giá kết quả đào tạo; giải quyết việc làm để nâng dần tính tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động. Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng cho sinh viên, học sinh các ngành kỹ thuật, du lịch, điều dưỡng, xây dựng theo chương trình chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế để phục vụ dịch chuyển lao động.

PHƯƠNG BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37675502-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao.html