Tạo nền tảng vững chắc

Xác định tầm quan trọng của giáo dục mầm non - cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, những năm qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống trường lớp và đội ngũ giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Thành phố duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi từ năm 2013 đến nay. Đồng thời, quyết tâm tiếp tục tiên phong trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi.

Đặc biệt, trong nỗ lực tiếp tục nâng cao chất lượng bậc học mầm non, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực nội thành và ngoại thành trong lĩnh vực giáo dục, ngày 8-12-2020, tại kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc quy định mức hỗ trợ thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội. Tin vui với cô và trò bậc học mầm non là các chính sách này đều cao hơn 1,5 lần so với quy định chung của cả nước.

Có thể nói, đây là chủ trương kịp thời, có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, nhất là với trường mầm non ở những vùng khó khăn, vùng miền núi, khu công nghiệp, các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn Thủ đô. Nhìn toàn diện hơn, chủ trương này đã tạo điều kiện cần thiết cho giáo dục mầm non nói riêng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thủ đô nói chung phát triển mạnh mẽ hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Vấn đề được quan tâm hiện nay là các cấp, ngành chức năng và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải vào cuộc tích cực, với trách nhiệm cao để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng niềm mong mỏi của đội ngũ giáo viên mầm non và các bậc phụ huynh học sinh. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh việc kết hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực giáo dục nói chung, bậc học mầm non nói riêng, đặc biệt là Nghị quyết về việc quy định mức hỗ trợ thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội.

Việc này nhằm tạo thuận lợi cho các cấp, ngành chức năng triển khai nghị quyết hiệu quả, đồng bộ với các cơ chế, chính sách liên quan khác và không bỏ sót đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó là giúp các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, tránh xảy ra vi phạm. Đặc biệt, người dân sẽ hiểu đúng, đầy đủ về các chính sách được thụ hưởng, từ đó đồng thuận và ủng hộ chủ trương thiết thực, nhân văn này của thành phố.

Quá trình triển khai các mức hỗ trợ, một nguyên tắc “bất di, bất dịch” là các đơn vị được giao nhiệm vụ, nhất là nhà trường cần sử dụng kinh phí hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định. Bởi nếu làm không tốt điều này, chính sách sẽ mất đi ý nghĩa; hệ quả xấu hơn là ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non mà toàn thành phố đang hướng đến.

Với đội ngũ giáo viên, nhân viên trong diện thụ hưởng chính sách, đây là động lực rất lớn giúp họ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Do đó, mỗi người cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, nêu cao đạo đức nhà giáo, dành tâm sức xứng đáng để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực được hỗ trợ là yếu tố quan trọng góp phần cho bậc học mầm non ngày càng phát triển, tạo nền tảng vững chắc, điều kiện cần thiết để các thế hệ học sinh Thủ đô phát triển ở những cấp học sau.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/986293/tao-nen-tang-vung-chac