Tạo nền tảng phát triển di sản văn hóa phi vật thể

Hà Nội có hệ thống di sản văn hóa đồ sộ. Muốn hệ thống ấy có thể được duy trì, phát huy một cách bền vững, điều cốt yếu là duy trì đội ngũ người thực hành di sản - những nghệ nhân. Sở Văn hóa và Thể thao vừa công bố hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) đối với 140 nghệ nhân dân gian lần thứ hai, chuẩn bị các bước để phong tặng chính thức. Điều đáng chú ý, năm nay, nghệ nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ được nhận vinh dự này.

Nhiều loại hình di sản được quan tâm

Nếu như ở đợt phong tặng Nghệ nhân dân gian đầu tiên vào năm 2015, Hà Nội chỉ có 39 nghệ nhân được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NNƯT, thì trong đợt trình hồ sơ lần thứ hai này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tập hợp 140 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, trong đó có 121 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT, 19 hồ sơ đề nghị xét tặng NNND. Để đạt được tiêu chí xét tặng danh hiệu NNƯT, nghệ nhân cần có ít nhất 15 năm hoạt động và có nhiều cống hiến. Người được xét tặng danh hiệu NNND phải là người có năng lực đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước và có thâm niên hoạt động ít nhất 20 năm, đã được công nhận là NNƯT. Ngoài những loại hình di sản văn hóa được nhiều người biết đến như ca trù, tuồng, chèo, tranh dân gian, hát văn..., lần đầu, danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian có sự xuất hiện của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể mới như: Tập quán xã hội và tín ngưỡng thờ mẫu (tức người thực hành hầu đồng), lễ hội truyền thống (người nắm giữ tri thức về tổ chức lễ hội truyền thống), nghề làm cây cảnh, nghề làm giò chả...

Đánh giá về sự phát triển số lượng nghệ nhân cũng như số lượng loại hình di sản văn hóa phi vật thể, Trưởng phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao) Phạm Thị Lan Anh cho biết: "Việc ngày càng nhiều nghệ nhân làm hồ sơ đề nghị ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho thấy cộng đồng đã có nhận thức tốt hơn về giá trị văn hóa phi vật thể. Chẳng hạn, hoạt động của làng nghề chủ yếu do ngành công thương quản lý, xét tặng danh hiệu. Nhưng nhận thấy hoạt động này có giá trị văn hóa, lại chứa những tri thức dân gian, cho nên một số lĩnh vực được chuyển sang lĩnh vực văn hóa. Đó là lý do có những nghệ nhân ở một số nghề đặc thù được xét tặng Nghệ nhân dân gian, thí dụ như nghề làm cây cảnh, nghề làm giò chả (ở Ước Lễ, huyện Thanh Oai), nghề nấu xôi (ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ)... cũng được xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể". Một điều đáng chú ý khác là có những nghệ nhân tuổi đời còn rất trẻ đã được đề nghị phong tặng những danh hiệu cao quý. Có thể lấy thí dụ như trường hợp nghệ nhân tò he Nguyễn Văn Thành. Sinh năm 1978, nhưng anh Thành đã đủ tiêu chuẩn để trở thành NNND. Hay như trường hợp ca nương Nguyễn Thu Thảo, mới 24 tuổi, nhưng sẽ có thể trở thành một trong những NNƯT trẻ nhất cả nước, sau nhiều năm hát ca trù.

Thận trọng để tránh "phổ cập hóa"

Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã công bố danh sách 140 nghệ nhân nộp hồ sơ đăng ký xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến giới chuyên môn, đồng nghiệp cũng như ý kiến nhân dân, làm cơ sở để Hội đồng Khoa học thông qua trước khi trình Chính phủ xét tặng. Đây là những bước đi cần thiết, để tránh "tặng nhầm" danh hiệu, nhất là với một số lĩnh vực văn hóa phi vật thể mới mẻ. Với lĩnh vực lễ hội truyền thống, theo quy định, những người nắm giữ cách tổ chức lễ hội, có đóng góp trong tổ chức lễ hội, nắm giữ nhiều kiến thức về các tục lệ quanh lễ hội... đều được xem là ứng viên cho danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Trên thực tế, thành phố có hàng nghìn lễ hội khác nhau. Nguy cơ "lạm phát" Nghệ nhân dân gian rất dễ xảy ra.

Theo quy định hiện hành, cứ ba năm, Chính phủ sẽ tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian một lần, bao gồm hai danh hiệu NNND, NNƯT. Nhìn vào danh sách nghệ nhân đề nghị được phong tặng danh hiệu, một số chuyên gia băn khoăn cho rằng, tiêu chuẩn về đóng góp, cống hiến của nghệ nhân cần được làm rõ hơn. Nếu không, sẽ dễ xảy ra tình trạng "đến hẹn lại lên", nghệ nhân được phong danh hiệu NNƯT, sau một thời gian hoạt động đủ dài, cứ thế trở thành NNND. Hay, có đến 11 nghệ nhân ca trù được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, 19 nghệ nhân được xét tặng danh hiệu NNƯT, nhưng thực tế hiện nay, hoạt động ca trù vẫn còn rất khó khăn, chất lượng của ca trù chưa được các chuyên gia đánh giá cao, chủ yếu phát triển bề rộng thay vì bề sâu.

Mặc dù vậy, nhìn chung, các nghệ nhân đều phấn khởi khi Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến các nghệ nhân thực hành, lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan ở Quốc Oai chia sẻ, hát dô là loại hình nghệ thuật gặp rất nhiều trở ngại trong công tác gìn giữ, truyền nghề. Từng được trao tặng danh hiệu NNƯT năm 2015, nghệ nhân Nguyễn Thị Lan coi đó là động lực để tiếp tục phấn đấu, giữ gìn, phát huy di sản hết mình. Một số ý kiến khác cho rằng, cùng với danh hiệu, Nhà nước cần quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ để nghệ nhân yên tâm cống hiến.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34663702-tao-nen-tang-phat-trien-di-san-van-hoa-phi-vat-the.html