Tạo nên sức hấp dẫn của tờ báo qua những con số

Số liệu thống kê nói chung, trong đó có thống kê xuất nhập khẩu tưởng chừng như khô khan nhưng lại mang nhiều giá trị thông tin báo chí thú vị và cũng giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề báo.

Một sản phẩm infographic của Báo Hải quan thực hiện.

Một sản phẩm infographic của Báo Hải quan thực hiện.

Trong buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Báo Hải quan về làm báo hiện đại đa phương tiện như Megastory, Infographics… tháng 5/2020, nhà báo Hoàng Nhật- Phó Tổng Biên tập Báo VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng nguồn dữ liệu về tài nguyên số đang là một kênh thông tin quan trọng đối với báo chí hiện đại.

Thực tế tại Báo Hải quan, nhiều năm qua, Ban Biên tập luôn xác định thông tin XNK của Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương là một trong những thế mạnh tạo nên nét đặc trưng của tờ báo là cơ quan ngôn luận của Tổng cục Hải quan. Vì vậy, Ban Biên tập luôn định hướng, khuyến khích phóng viên khai thác, xử lý tin, bài từ dữ liệu quan trọng này.

Với cá nhân tôi, năm 2010 khi chuyển công tác từ Văn phòng đại diện tại TPHCM (trước là Chi nhánh phía Nam) ra Tòa soạn tại Hà Nội, một trong những đơn vị tôi được Ban Biên tập phân công theo dõi là Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan. Trong rất nhiều nhiệm vụ mà Cục thực hiện, công tác thống kê hải quan luôn có vai trò quan trọng.

Từ định hướng của Ban Biên tập và đặc thù theo dõi đơn vị, cá nhân tôi đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để có được những tin, bài thú vị, có chất lượng và giá trị phân tích, đánh giá từ số thống kê hải quan.

Định hướng là vậy, nhưng thực tế với nhiều phóng viên, việc “đánh vật” với những con số luôn được xem là thách thức vì đa phần vốn “dân khối C”. Cá nhân tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng càng tìm hiểu sâu, tôi càng bị thu hút và có nhiều đam mê để thôi thúc mình tìm hiểu, phân tích và có những tin bài mang tính đánh giá, dự báo về xu thế XNK ở những thị trường, ngành hàng chủ lực…

Phóng viên Thái Bình (vác hàng) trong một lần tác nghiệp thực tế tại Lạng Sơn.

Nắm vững hơn về từ ngữ chuyên môn

Giai đoạn “chập chững” ban đầu, thông tin mang tính chất thống kê đơn thuần theo tháng, theo quý và tốc độ tăng trưởng (tăng hoặc giảm) so với cùng kỳ và thường bị động theo thông tin từ Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan phát ra.

Ban đầu, không chỉ phải đánh vật với con số, tôi còn phải tìm hiểu sâu hơn về từ chuyên môn của lĩnh vực thống kê như “trị giá”, “giá trị”, “kim ngạch”, “số ước”, “số liệu sơ bộ”, “số liệu chính thức”…

Trước đây, có “nhầm lẫn sơ đẳng” như cụm từ “trị giá kim ngạch”. Tuy nhiên, quá trình viết bài tôi hiểu ra “trị giá” và “kim ngạch” là 2 từ đồng nghĩa. Do đó, sử dụng “trị giá” thì thôi “kim ngạch” hoặc ngược lại.

Một từ khác, đến nay còn nhiều báo sử dụng chưa chuẩn là “giá trị hàng hóa XNK”. Thực tế “trị giá” và “giá trị” là hai từ khác nhau. Theo Từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin năm 1998), “giá trị” là được xác định có ích, có hiệu quả trong cuộc sống vật chất và tinh thần. Còn “trị giá” là được định giá, được coi đáng giá như thế nào.

Vì vậy có thể hiểu, “giá trị” mang tính định tính, trong khi “trị giá” định lượng. Trong thống kê, từ chuẩn được dùng là “trị giá”, nhưng thực tế nhiều cơ quan báo chí vẫn đăng “giá trị xuất khẩu”, “giá trị nhập khẩu”, “giá trị ô tô nhập khẩu”…

Việc hiểu đúng về từ chuyên môn là điều quan trọng đầu tiên giúp tôi có những tin, bài “sạch nước cản” và tự tin thực hiện tin, bài sâu hơn.

Những tin, bài mang tính phân tích, dự báo

Khi có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực thống kê XNK, tôi có nhiều hơn những tin, bài mang tính phân tích, dự báo. Nhưng tin, bài về “ngành hàng, thị trường tỷ đô” xuất hiện nhiều hơn nhờ sự chủ động “cộng, trừ, nhân, chia” để phân tích, so sánh, đánh giá từ số liệu thô của Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, gắn với sự tổng hợp chu kỳ nhiều năm và thông tin trao đổi với chuyên gia.

Trong những thông tin đó, cá nhân tôi luôn cảm thấy tự hào khi những vấn đề về “chu kỳ XNK 100 tỷ USD”, hay “kỷ lục XNK 500 tỷ USD” thu hút sự quan tâm của dư luận luôn xuất hiện đầu tiên trên Báo Hải quan.

Đặc biệt, là bài viết liên quan đến quy mô kim ngạch XNK 500 tỷ USD. Ngày 30/12/2019, cơ quan chức năng mới tổ chức Lễ ghi nhận XNK hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD. Nhưng, với quá trình theo dõi hoạt động XNK từ thống kê của Tổng cục Hải quan nhiều năm, căn cứ tình hình thực tế và tốc độ tăng trưởng, ngày 29/12/2018, tôi đã có bài viết “Quy mô kim ngạch XNK Việt Nam sắp đạt 500 tỷ USD”. Tiếp đó, ngày 27/7/2019, là bài viết “Nhắm mốc 500 tỷ USD kim ngạch XNK: Đã hơn nửa chặng đường”. Những bài viết này khẳng định Việt Nam sẽ lập được kỷ lục 500 tỷ USD trong năm 2019… Đây được xem là nhưng tin, bài đầu tiên trong làng báo đề cập đến kỷ lục về XNK này của Việt Nam.

Đa dạng hóa sản phẩm

Cùng với xu thế phát triển của báo chí hiện đại, Ban Biên tập luôn yêu cầu phóng viên phải đa dạng hóa hình thức thể hiện tin, bài. Với sự hỗ trợ của anh em kỹ thuật viên, tôi cũng là một trong những phóng viên đầu tiên và tích cực thiết kế biểu đồ trong tin, bài về XNK. Sau này, các biều đồ chất lượng hơn, có tính thẩm mỹ cao hơn và tôi sử dụng cả trong các tin, bài về lĩnh vực hải quan để có được hiệu quả thông tin cao nhất thay cho sử dụng hình ảnh minh họa.

Tiếp đó, là thực hiện Infographics. Ban đầu, tôi phối hợp với cộng tác viên, sau đó, tự tìm tòi để thực hiện và đã có một số sản phẩm được đăng tải. Tương tự như với biểu đồ, tôi cũng đã sử dụng Infographics trong tin, bài về hải quan. Tuy nhiên, “làm tay ngang” và Infographics đòi hỏi trình độ kỹ thuật nhất định, thời gian xử lý lâu hơn biểu đồ nên tôi xác định đây vẫn đang là mục tiêu cần chinh phục.

Cùng với đó, tôi cũng thực hiện được sản phẩm Megastory đầu tiên đã chuyển tải thông tin một cách toàn diện, chuyên sâu về nội dung, đẹp về thẩm mỹ.

Có thể nói, một thập kỷ gắn bó với lĩnh vực thống kê XNK của Tổng cục Hải quan, với sự chỉ đạo, định hướng của Ban Biên tập, sự cộng tác của một số đồng nghiệp, nỗ lực của bản thân, tôi đã có sự chuyển biến, trưởng thành đáng kể trong sự nghiệp làm báo, trong đó có nội dung về thống kê hải quan. Đây là tiền đề quan trọng để tôi tự tin và không ngừng học hỏi nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu công việc do Ban Biên tập giao phó trong từng giai đoạn phát triển tới đây của Báo Hải quan.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tao-nen-suc-hap-dan-cua-to-bao-qua-nhung-con-so-128530.html