Tạo nền móng cho một Việt Nam tự chủ

Ngày 12/4, Hội thảo khoa học quốc gia 'Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam' đã được tổ chức tại Ninh Bình. Hội thảo đã tập trung làm nổi bật những thành tựu của Nhà nước Đại Cồ Việt trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa...

Buổi hội thảo “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam” thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Mở ra kỷ nguyên mới

Hội thảo do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức, là một trong những sự kiện chính được tổ chức nhân dịp Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt.

Hội thảo đã nhận được rất nhiều bài, ý kiến tham luận. Trong đó, có tham luận của chuyên gia Nga, 46 báo cáo tham luận của các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học, cán bộ quản lý tỉnh Ninh Bình.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thái Bình, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc – kỷ nguyên độc lập tự chủ.

Ngay sau khi lập quốc, vua Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng bộ máy Nhà nước với đầy đủ các đơn vị hành chính từ Trung ương đến địa phương; xây dựng cung điện thiết chế triều nghi, định phẩm hàm cho các quan văn, võ, phong tước cho các công thần.

Vua Đinh Tiên Hoàng đã đặt ra các hình phạt để giữ nghiêm kỷ luật, chia đất nước thành 10 đạo, cử người tài giỏi đức độ cai quản, thực hiện chế độ quân sự “ngụ binh ư nông” dựa vào nghề nông mà phát triển quân đội.

Vua Đinh Tiên Hoàng còn truyền cho đúc tiền đồng “Thái bình hưng bảo” để giao thương buôn bán, đặt nền móng cho nền tài chính, tiền tệ của nước ta.

Kế tục sự nghiệp huy hoàng của nhà Đinh, năm 980, vua Lê Đại Hành cùng quân dân cả nước phá Tống, bình Chiêm bảo vệ cương vực quốc gia, xây dựng và củng cố hòa bình, độc lập dân tộc, xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Đại Cồ Việt, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế…

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh- Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt đã khẳng định sức mạnh ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau nghìn năm Bắc thuộc.

Đây cũng là thời đại bản lề, mang tính chuyển giao rõ rệt của lịch sử dân tộc, do vậy, những giá trị Nhà nước Đại Cồ Việt tạo dựng nên chính là cơ sở, nền tảng để các triều đại phong kiến Việt Nam nói riêng, các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai vững tin xây dựng, kiến thiết đất nước.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề về Nhà nước Đại Cồ Việt là việc làm xuyên suốt trong chiều dài lịch sử dâm tộc.

Tuy nhiên, trải qua thời gian hàng ngahìn năm với bao biến đổi của thiên nhiên và xã hội, những dữ liệu lịch sử ít nhiều đã mai một.

Vì vậy, công việc tìm tòi, nghiên cứu về chủ đề này đến nay vẫn chưa dừng lại. Nhiều năm qua, các cấp, các ngành, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã dày công tổ chức thực hiện nhiều cuộc hội thảo khoa học, công trình nghiên cứu quan trọng về Nhà nước Đại Cồ Việt.

Các vấn đề nghiên cứu vẫn đang tiếp tục mở ra với nhiều giải luận khoa học từ nhiều hệ quy chiếu khác nhau, để có cái nhìn toàn diện, bao quát và cụ thể hơn nữa về giai đoạn lịch sử quan trọng này.

Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân

Chương trình hội thảo được chia làm 2 phần, phần thứ nhất bao gồm những vấn đề lịch sử của Nhà nước Đại Cồ Việt; phần thứ 2 là di sản và phát huy giá trị di sản của Nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trong tham luận trình bày tại hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang – ĐHQG Hà Nội khẳng định: “Sự nghiệp thống nhất mà Đinh Bộ Lĩnh đã tạo ra không đơn thuần là một kết cục của một cuộc chiến phe phái, trong đó, người mạnh nhất giành chiến thắng mà là thắng lợi của một xu thế.

Công cuộc tái lập quốc và bảo vệ nền độc lập sau một thời kỳ tranh đấu bền bỉ mới giành lại được, cần một nền tảng thống nhất vững chắc.

Đinh Bộ Lĩnh đã làm được điều đó. Đồng thời, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân nên được đông đảo nhân dân ủng hộ rộng rãi!”

Một trong những chi tiết được các đại biểu quan tâm tại buổi hội thảo là sự ra đời của đồng tiền “Thái bình hưng bảo” vào thời Đinh. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Thị Vinh – Viện Sử học Việt Nam khẳng định: “Tuy chưa được lưu thông rộng rãi, nhưng sự xuất hiện đầu tiên của đồng tiền “Thái bình hưng bảo” đã mang một ý nghĩa cực kỳ to lớn, góp phần khẳng định thêm về tinh thần độc lập tự chủ của Nhà nước Đại Cồ Việt trong buổi đầu độc lập. Đây được coi là nền tảng để sau này các triều đại phong kiến Việt Nam tiếp tục kế thừa và phát triển”.

Trong tham luận ở nội dung Tổ chức quân đội của Nhà nước Đại Cồ Việt, PGS TS Lê Đình Sỹ- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã khái quát khá chi tiết và phân tích một cách khoa học nghệ thuật tổ chức quân đội và sức mạnh quân sự của triều Đinh.

PGS TS Lê Đình Sỹ nêu rõ: Trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước dưới sự lãnh đạo của hai vị anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, Quốc gia Đại Cồ Việt đã trưởng thành về mọi mặt.

Đặc biệt trên lĩnh vực quốc phòng, Nhà nước Đại Cồ Việt đã xây dựng được một hệ thống tổ chức quân sự trong đó có quân đội Quốc gia (quân triều đình) tương đối hoàn chỉnh về các ngạch bậc khác nhau.

Quân đội của Nhà nước khá hùng hậu đã duy trì được sự thống nhất đất nước có công lớn trong việc phá Tống bình Chiêm, mở đầu cho truyền thống lịch sử xây dựng quân đội chính quy hùng mạnh của dân tộc Việt Nam...

Nhiều ý kiến tham gia tranh luận tại buổi hội thảo của các sử gia hàng đầu Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ thêm những tồn nghi dưới thời Đinh, Nhà nước Đại Cồ Việt với những giá trị lịch sử – văn hóa nổi bật đã giữ một vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc; mở ra những trang sử vẻ vang và một kỷ nguyên mới độc lập, tự chủ lâu dài cho đất nước Việt Nam.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tao-nen-mong-cho-mot-viet-nam-tu-chu-tintuc400791