Tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế

Trước tác động ghê gớm của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã sớm có giải pháp chung tay với xã hội để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động nền kinh tế, tạo những bứt phá và đưa hoạt động kinh tế vào bối cảnh 'bình thường mới' ngay sau khi có chủ trương dừng giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương năm 2019, NHNN Việt Nam ở vị trí đầu bảng với 73,17 điểm.

Mới đây, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố Chỉ số công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam cùng Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2019. Đây là lần thứ 7 chỉ số OBI được công bố trên toàn cầu và lần thứ 2 chỉ số MOBI được công bố tại Việt Nam. Hai chỉ số này cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề công khai, minh bạch ngân sách cấp quốc gia và cấp bộ, ngành. Mặc dù vẫn có thể cải thiện thêm để thực hiện tốt hơn nữa Luật Ngân sách Nhà nước, nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một bước tiến đáng kể của quốc gia nói chung và các cấp bộ, ngành nói riêng.

 Khách hàng giao dịch được phục vụ chu đáo tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: VIỆT ANH

Khách hàng giao dịch được phục vụ chu đáo tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: VIỆT ANH

Cụ thể, kết quả khảo sát OBI 2019 cho thấy thứ hạng của Việt Nam đã được cải thiện ở cả 3 trụ cột: Minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách. Còn kết quả khảo sát MOBI 2019 thể hiện sự tiến bộ trong mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương so với năm 2018. Trong số 44 bộ, cơ quan Trung ương tham gia vào khảo sát MOBI 2019, có một đơn vị duy nhất đạt mức công khai tương đối và 8 đơn vị đạt mức công khai chưa đầy đủ thông tin về ngân sách. Năm 2019, điểm số trung bình của Việt Nam là 21,2 điểm, tăng 10,2 điểm so với MOBI 2018. Có 31/44 bộ, cơ quan Trung ương có điểm khảo sát của kỳ MOBI 2019 (chiếm 70,45%), trong khi con số này vào năm trước chỉ là 17 bộ, cơ quan Trung ương (chiếm 45,95%)

Bảng xếp hạng MOBI 2019 ghi nhận NHNN Việt Nam ở vị trí thứ nhất với 73,17 điểm. Đây là đơn vị đạt điểm cao nhất về tính đầy đủ và tính thuận tiện của 5/6 loại tài liệu được công khai, lần lượt là: Dự toán năm 2020, báo cáo tình hình thực hiện dự toán quý I, 6 tháng, 9 tháng năm 2019 và quyết toán năm 2018. Ngoài ra, có 24 bộ, cơ quan Trung ương có công khai ít nhất một trong số 6 tài liệu quy định phải công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Có 7 đơn vị chỉ có điểm về tính thuận tiện (tức là có thư mục công khai ngân sách nhưng không có tài liệu kèm theo). Có 18/44 đơn vị công bố dự toán ngân sách đơn vị năm 2020 (chiếm 40,91%), 17/44 đơn vị công bố quyết toán ngân sách năm 2018 (chiếm 38,64%). Có 8 đơn vị công bố báo cáo tình hình thực hiện dự toán quý I năm 2019, 10 đơn vị công bố báo cáo tình hình thực hiện dự toán 6 tháng năm 2019, 7 đơn vị công bố báo cáo tình hình thực hiện dự toán 9 tháng năm 2019 và 8 đơn vị công bố báo cáo tình hình thực hiện dự toán năm 2019.

Trước đó, NHNN Việt Nam cũng ghi dấu ấn khi dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính trong 5 năm liên tiếp, từ năm 2015 đến 2019. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế quốc tế hội nhập sâu rộng với cơ hội và thách thức đan xen, nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu hướng tới tăng trưởng bền vững với tiêu chí GDP xanh, NHNN Việt Nam đã nhận thức rõ phải tái cơ cấu tổng thể toàn diện ngành ngân hàng với trọng tâm là hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) theo định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, góp phần vào việc thực hiện thành công đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế giai đoạn 2011-2020. Trong đó, cải cách hành chính (CCHC) được xác định là nội hàm của đề án tái cơ cấu tổng thể ngành ngân hàng nói chung và đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD nói riêng. Đích đến cuối cùng của các đề án tái cơ cấu hay CCHC là huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để phân bổ, cung ứng và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Hay nói cách khác là tạo cơ chế và môi trường cho quan hệ giao dịch giữa các chủ thể trong nền kinh tế được thuận lợi, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.

“Việc khẩn trương ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định việc các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu tác động của dịch Covid-19 được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là những giải pháp rất hữu hiệu, trực tiếp giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo”, ông Đào Minh Tú chia sẻ.

KHÁNH LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-moi-truong-thuan-loi-cho-cac-chu-the-trong-nen-kinh-te-626838