Tạo môi trường cho 'sếu đầu đàn Việt' phát triển

Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện dự án xây dựng đường sắt cao tốc bắc-nam, dự kiến báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ngay tại kỳ họp đầu tiên của khóa mới. Nội dung được dư luận quan tâm là cách đặt vấn đề hiện nay có khác gì so với dự thảo đã được trình năm 2010? Vì sao vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và Hội đồng thẩm định nhà nước?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. (ẢNH: QUOCHOI.VN)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. (ẢNH: QUOCHOI.VN)

Nhân Dân điện tử đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, hơn mười năm trước, Quốc hội khóa XII đã bỏ phiếu không thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao bắc – nam vì nhiều yếu tố. Trong đó có lý do chưa làm rõ được các vấn đề quan trọng như tính khả thi, tổng mức đầu tư, công nghệ sử dụng …Đây cũng chính là những vấn đề đang được tranh luận hiện nay, khi Bộ Giao thông vận tải để xuất ưu tiên xây dựng trước các tuyến đường sắt tốc độ cao trong chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên: Tôi cho rằng, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao là cần thiết đối với sự phát triển của đất nước và tại thời điểm này cần tiếp cận vấn đề ở một tư duy mới.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án Tăng cường quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân và đề án Đổi mới phương thức quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước, mục đích là để hình thành những doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn, trở thành trụ cột của nền kinh tế.

Để tạo môi trường cho “sếu đầu đàn” Việt phát triển, giai đoạn 2021-2025, Chính phủ chuẩn bị dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao bên cạnh dự án đầu tư đường cao tốc phía Đông và cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong bối cảnh đó, dự án phát triển đường sắt cao tốc bắc-nam cần được xây dựng theo hướng không phải chỉ xem xét ở nội dung quy mô vốn 58 hay 60 tỷ USD như con số đã được nêu ra trước đây mà phải gắn với chương trình phát triển công nghiệp của đất nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dự án này càng nhiều càng tốt.

Dù phương án cuối cùng lựa chọn công nghệ nào, vận tốc 200km/h hay 350km/h thì quan trọng nhất là phải phát huy động được tối đa trí tuệ và năng lực chế tạo cơ khí trong nước.

Phóng viên: Như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành không vì theo quy định của Luật Đầu tư công thì đối với bất cứ dự án nào, tổng mức đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng làm căn cứ để cơ quan thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên: Tất nhiên tổng mức đầu tư là một yếu tố quan trọng. Trước đây, trong kỳ Quốc hội khóa XII, các đại biểu Quốc hội băn khoăn nhiều về ảnh hưởng của việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam đến nợ công và khả năng quản trị dự án lớn như vậy. Ở đây, tôi muốn giải thích thêm về vấn đề ảnh hưởng đến nợ công.

Hoạt động đầu tư phát triển không phải chỉ nhìn vào số tiền đầu tư lớn quá, rồi tính toán nếu đi vay nhiều sẽ ảnh hưởng đến nợ công, ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia. Phải đánh giá tổng hòa gồm nhiều yếu tố khác nữa.

Hiện vẫn còn dư địa để tăng nợ công vì tỷ lệ nợ công/GDP còn xa ngưỡng Quốc hội quy định nhưng quan điểm của Chính phủ trong xây dựng chính sách nợ công là chỉ tăng nợ công đối với những dự án, công trình có tính lan tỏa cao. Và như vậy, nợ công sẽ không phải vấn đề đáng quan ngại nếu dự án đầu tư có hiệu quả.

Đối với những dự án quan trọng của quốc gia, sớm hay muộn cũng phải xây dựng thì tạo sao không đặt vấn đề chậm đầu tư sẽ làm chậm lại quá trình phát triển của đất nước, còn đi vay về đầu tư hiệu quả sẽ tạo sức lan tỏa, mang lại những lợi ích to lớn thúc đẩy kinh tế-xã hội?

Chúng tôi đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyên đề xây dựng đường sắt tốc độ cao, không nhìn theo hướng đánh giá ở quy mô tổng vốn đầu tư mà quan trọng là cách triển khai một dự án trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải khác.

Chi phí đầu tư sẽ do thị trường quyết định, những doanh nghiệp nào đủ điều kiện sẽ tự tính toán hiệu quả để quyết định tham gia các dự án thành phần. Chính phủ sẽ định hướng những hạng mục nào mua của doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp tự liên kết với nhau để đáp ứng đơn đặt hàng của Chính phủ.

Nhiệm vụ của Chính phủ là tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đúng thời hạn của dự án và làm kết cấu hạ tầng, cầu đường. Các bước chuẩn bị dự án phải thực hiện tốt: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để được bố trí vốn; Bộ Giao thông vận tải trình phương án đường đôi để cắm mốc hướng tuyến, giải phóng mặt bằng, thuê tư vấn… Như vậy, đầu tư công mới thật sự là vốn mồi để kích hoạt các nguồn lực khác, có tính chất lan tỏa, góp phần tạo tăng trưởng.

Nếu không giao cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào dự án quan trọng như vậy thì bao giờ doanh nghiệp Việt Nam lớn lên được?. doanh nghiệp phải có môi trường, có chất xúc tác để phát triển. Thực tiễn cho thấy, sự hình thành các doanh nghiệp lớn tại mỗi quốc gia thường gắn với quá trình xây dựng và thực thi chính sách công nghiệp cũng như chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nói chung của quốc gia đó.

Phóng viên: Theo đồng chí, doanh nghiệp trong nước sẽ tham gia được ở mức độ nào khi khả năng tiếp cận công nghệ của chúng ta còn thấp, phải nhập khẩu công nghệ và chưa chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực?

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên: Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam chắc chắn sẽ phải dựa vào công nghệ nước ngoài, không thể nào khác được. Bài toán đặt ra là, nhập khẩu công nghệ nhưng làm thế nào để có thể nội địa hóa trang thiết bị để doanh nghiệp trong nước không phải đứng ngoài cuộc hoặc chỉ được tham gia ở vị trí thầu phụ.

Vậy thì Chính phủ đứng ra ký hợp đồng “licence” - hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ, đặt đầu bài cho những doanh nghiệp hàng đầu trong nước như Tập đoàn công nghệ FPT, Tập đoàn Viettel, VNPT thực hiện về công nghệ tự động hóa chạy tàu. Các doanh nghiệp có thời gian nhất định để chuẩn bị năng lực, trong quá trình này, Nhà nước có thể hỗ trợ về đào tạo nhân lực. Sau đó sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp làm tốt nhất.

Đầu máy cũng phải nhập của nước ngoài nhưng toa xe chỉ cần nhập khẩu một đoàn tàu đầu tiên, những đoàn tàu tiếp theo hoàn toàn có thể đặt hàng các nhà máy xe lửa trong nước sản xuất dựa vào mẫu nhập khẩu.

Không phải như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông nhập luôn toàn bộ đầu máy, toa xe, vừa phải trả chi phí cao mà cơ khí trong nước không tham gia vào được.

Năng lực doanh nghiệp cũng có thể làm được ray, tà-vẹt. Hiện nay, có doanh nghiệp trong nước đã sản xuất tà vẹt cho nước ngoài làm đường sắt cao tốc rồi. Để có tuyến đường sắt cao tốc bắc-nam chiều dài khoảng 1.700 m khổ đôi sẽ cần hơn 3.000 km đường ray. Chính phủ sẽ giao đầu bài cho các doanh nghiệp ngành thép lớn như Tập đoàn Hòa Phát, Formosa, Tổng công ty Thép với các thông tin cụ thể về tiêu chuẩn, sản lượng dự kiến, giá mua, thời điểm ký hợp đồng…

Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách tính giá mua thép là giá CIF cảng Hải Phòng hoặc cảng Cái Mép, Thị Vải, tức là đã hỗ trợ một phần phí vận chuyển so với thép nhập khẩu. Đầu ra đã có, các doanh nghiệp tự đầu tư sản xuất, nếu trúng thầu thì trở thành nhà cung cấp.

Như vậy, làm gì là do Nhà nước quyết định, làm thế nào đáp ứng được các điều kiện của dự án là do quản trị của mỗi doanh nghiệp. Muốn đáp ứng được, các doanh nghiệp lớn sẽ tự tìm nhà cung cấp là những doanh nghiệp nhỏ hơn, qua đó thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, hình thành chuỗi liên kết để sản xuất và quá trình này sẽ thúc đẩy hình thành những công ty hàng đầu, những tập đoàn kinh tế lớn về công nghiệp, kỹ thuật.

Nội địa hóa sẽ giúp dự án giảm được giá thành, tiến tới làm chủ công nghệ để chúng ta sẽ chủ động hơn trong những đoạn tuyến đầu tư ở giai đoạn sau. Đây chính là lợi ích lớn của dự án đem lại, bên cạnh những số liệu tính toán về hiệu quả hoạt động về vận tải của tuyến đường sắt tốc độ cao.

Phóng viên: Sếu đầu đàn không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân. Theo quan điểm của đồng chí, việc phát triển, hình thành doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong giai đoạn hiện nay gặp thuận lợi, khó khăn gì?

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên: Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong giai đoạn 2021-2026 cũng như triển khai thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã quy định rõ không phân biệt doanh nghiệp Việt Nam theo hình thức sở hữu.

Nhà nước sẽ tập trung khuyến khích đẩy mạnh đầu tư để tạo cơ sở vật chất vững mạnh, giúp mọi thành phần kinh tế hưởng lợi từ đầu tư để phát triển, tạo bệ phóng cho tất cả thành phần kinh tế nhà nước, tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc. Phải xóa bỏ sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, việc ra đời của Luật Doanh nghiệp đã thể hiện tư tưởng này.

Về mặt thể chế đã có thể đảm bảo cho sự thay đổi ấy nhưng việc triển khai vẫn là bài toán khó và đòi hỏi sự chuyển đổi nhận thức trong quản trị nhà nước. Chính phủ có thể điều tiết bằng chính sách hỗ trợ, chính sách thuế và đặc biệt là thay đổi tư duy hỗ trợ người thắng cuộc chứ không phải hỗ trợ tất cả, tạo ra những doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt cả nền kinh tế.

Đặt vấn đề thế này. Nếu xác định phát triển công nghiệp ô-tô, nhưng trong nước chỉ có các tập đoàn tư nhân là Thaco, Vinfast, và Hyundai Thành Công làm ô-tô có triển vọng thành công thì Nhà nước có hỗ trợ tư nhân để hình thành doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt cho ngành công nghiệp ô-tô hay không, vì chẳng có doanh nghiệp nhà nước nào làm được?

Tôi cho rằng, mục tiêu hình thành và phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn là trụ cột của nền kinh tế, hay “sếu đầu đàn” như cách chúng ta hay gọi, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân mà chỉ có tên gọi chung là doanh nghiệp Việt Nam, miễn là doanh nghiệp đó đạt được tiêu chí có sức lan tỏa cao trong hệ sinh thái doanh nghiệp.

Thay vì xây dựng hai dự thảo riêng cho mỗi khu vực kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm, cần thay đổi các tiếp cận vấn đề, đó là chỉ xây dựng một đề án duy nhất về hình thành doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn.

Như tôi đã nói, để có doanh nghiệp tầm cỡ thì phải có những dự án, công trình đủ lớn, có tính lan tỏa như một cú hích để doanh nghiệp trưởng thành và phát triển. Chọn đúng ngành để định hướng là nhiệm vụ của nhà nước, còn phát triển thế nào thì các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để hình thành nên những doanh nghiệp dẫn dắt ngành đó, tạo sức lan tỏa và cao hơn nữa là trở thành biểu tượng kinh tế của quốc gia.

Phóng viên: Trong dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập đến năm lĩnh vực và bảy doanh nghiệp cụ thể để lựa chọn thành “sếu đầu đàn”, đồng chí bình luận gì về bước đi này?

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên: Chọn ngành nào, lĩnh vực nào để phát triển doanh nghiệp lớn cần trả lời được năm câu hỏi.

Một là, các nước có thu nhập bình quân đầu người hơn 10 nghìn USD/năm có sản xuất những ngành như chúng ta định hướng không?

Hai là, sản phẩm của ngành được chọn có đầu ra ở thị trường quốc tế không?

Ba là, khả năng áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 đến đâu?

Bốn là, có đáp ứng được các tiêu chuẩn về bảo đảm môi trường và tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao hay không?

Và cuối cùng là tính hấp dẫn để thu hút được nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tham gia cùng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước?

Trả lời được năm câu hỏi đó mới bảo đảm quá trình hình thành doanh nghiệp lớn là tiếng nói của thị trường, nếu không, sẽ chỉ là tiếng nói chủ quan của tư duy kinh tế kế hoạch hóa.

Xin cảm ơn đồng chí!

TÔ HÀ thực hiện

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/tao-moi-truong-cho-seu-dau-dan-viet-phat-trien-651191/