Tạo môi trường cho nông dân khởi nghiệp làm giàu

Sau những thành tựu đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai tiếp tục bám sát mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống của người dân nông thôn, nhất là về thu nhập. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích tạo hứng khởi cho tinh thần khởi nghiệp, thi đua làm giàu của nông dân ở các vùng nông thôn.

Hạt sen chế biến của một cơ sở sản xuất tại xã Long Tân, H.Nhơn Trạch được thị trường ưa chuộng

Hạt sen chế biến của một cơ sở sản xuất tại xã Long Tân, H.Nhơn Trạch được thị trường ưa chuộng

Việc cải thiện đời sống người dân nông thôn không chỉ ở một bộ phận chủ trang trại, nông dân có nhiều đất đai mà với cả đa số nông dân. Ở các vùng nông thôn đang dần hình thành đội ngũ công nhân nông nghiệp có tay nghề giỏi, thu nhập cao.

* Thi đua khởi nghiệp làm giàu ở nông thôn

Hơn 20 năm trước, ông Nguyễn Vĩnh Thụy, người dân tại xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) vốn là thương lái thu mua nông sản tại các địa phương quanh vùng rồi chuyển sang lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng. Tất cả vốn liếng tích lũy được trong quá trình làm ăn, ông Thụy đều đầu tư mua đất đai để trồng chôm chôm nhãn vì nhận thấy cơ hội làm giàu từ đầu tư cây ăn trái đặc sản này. Hiện ông Thụy có vài ha chôm chôm nhãn đang ở giai đoạn cho thu hoạch với năng suất cao, chất lượng tốt.

Thời điểm đó, ông Thụy không tiếc bán vàng để cải tạo vườn cây, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Nhờ đó, sản phẩm trong vườn của ông không chỉ được thương lái săn đón, trả giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường để thu mua mà còn có nhiều khách hàng quen là các cơ quan, doanh nghiệp đặt hàng riêng. Ông trở thành tỷ phú nông dân nổi tiếng nhờ có vườn đặc sản trái cây ngon.

Ngày nay, không thiếu những người trẻ chọn về quê khởi nghiệp, làm giàu từ nghề nông. Chị Bùi Thị Thủy vốn sống ở TP.Biên Hòa nhưng lại chọn về H.Vĩnh Cửu để lập nghiệp. Chị đã bỏ ra gần 2 năm đầu tư khu vườn trồng các loại dược liệu, hoa cỏ sạch để có nguyên liệu chế biến các sản phẩm thủ công an toàn, thân thiện với môi trường.

Hiện chị Thủy có hàng chục sản phẩm handmade cho khách lựa chọn như: trà hoa đậu biếc, trà bạc hà mật ong đến các sản phẩm handmade túi lọc gội đầu, xà phòng làm bằng than tre, xà phòng lá tía tô, muối thảo mộc ngâm chân, nến thơm…

Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, chị Thủy lập kênh bán hàng trên mạng, đưa sản phẩm về các phiên chợ cuối tuần ở TP.HCM. Chị Thủy còn mở các lớp dạy làm sản phẩm thủ công theo mô hình workshop, thu hút được nhiều thành viên đăng ký tham gia. Nhờ ngày càng có nhiều khách hàng ủng hộ, chị Thủy đã xây dựng được nhà xưởng chế biến, nhà trưng bày vừa là nơi tổ chức các lớp học làm sản phẩm thủ công để có thể đáp ứng nhiều đơn hàng với số lượng lớn.

Nhận xét về phong trào Khởi nghiệp làm giàu ở vùng nông thôn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam Hoàng Sơn Công chia sẻ, nông dân - nhất là lớp nông dân trẻ - hiện có rất nhiều góc nhìn sáng tạo trong khởi nghiệp làm giàu. Họ quan tâm đến sản xuất theo hướng hữu cơ, đầu tư chế biến các đặc sản độc, lạ từ những cây trồng có sẵn tại địa phương, thậm chí là từ nguồn nguyên liệu vốn là rác thải trong sản xuất như: mứt vỏ bưởi, trà vỏ bưởi, tinh dầu bưởi, dưỡng tóc tinh dầu bưởi, trà búp ổi tẩm mật ong, trà hoa dâm bụt, mật ong lên men hoa đậu biếc, hoa cúc chi... Từ đó mở ra rất nhiều cơ hội khởi nghiệp làm giàu ở ngay vùng quê từ việc chủ động tìm ra các sản phẩm, nông sản mang tính thương mại cao từ những nguồn tài nguyên có sẵn hay trồng được với chi phí rẻ như tận dụng hoa dâm bụt, hoa giấy… trồng làm bờ rào chế biến thành đặc sản cho giá trị cao.

* Xây dựng đội ngũ công nhân nông nghiệp

Giai đoạn “hậu nông thôn mới”, các địa phương của Đồng Nai luôn đặt ra mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Theo đó, các địa phương định hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn theo phương châm “ly nông không ly hương”. Kết quả, số hộ ở nông thôn tăng nhưng số lượng và tỉ trọng nhóm hộ nông, lâm, thủy sản lại giảm mạnh vì có sự chuyển dịch dần sang các lĩnh vực phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, tỷ lệ các hộ dân sống bằng nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao. Từng bước nâng giá trị thu nhập ngành Nông nghiệp là mục tiêu của các vùng nông thôn trên địa bàn Đồng Nai. Để đạt mục tiêu trên, việc cải thiện chất lượng, từng bước đào tạo được đội ngũ lao động nông thôn giỏi tay nghề, có tác phong công nghiệp đang là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

Ông Bùi Đình Anh, chủ trang trại trồng thanh long ruột đỏ với diện tích hàng chục ha tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc). Hiện trang trại ông đang có khoảng 80 lao động làm việc thường xuyên. Theo ông Bùi Đình Anh, hiện 90% nông dân còn thiếu kỹ năng lao động và đây là một trong những điểm yếu lớn khiến nền nông nghiệp trong nước yếu thế cạnh tranh với nhiều nước khác. Theo đó, ông đã đưa ra nhiều giải pháp để đào tạo đội ngũ công nhân nông nghiệp cho trang trại của mình.

Ông Đình Anh chia sẻ: “Tôi thường mất 3 năm cầm tay chỉ việc để đào tạo được 1 nông dân lành nghề. Tôi thường tổ chức các buổi họp rút kinh nghiệm như: cách chăm sóc cho cây ra trái đẹp, trị nấm cần làm gì... Lao động nào cũng phải tham gia đưa ra giải pháp, ai nói đúng, nói hay sẽ được thưởng “tiền tươi”, qua đó giúp họ thuộc nằm lòng các giải pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Và khi trở thành nông dân lành nghề, thu nhập của họ cũng không ngừng tăng lên”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202011/tao-moi-truong-cho-nong-dan-khoi-nghiep-lam-giau-3030988/