Tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho thị trường điện

Sau giai đoạn thí điểm, từ tháng 1-2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh (TTBBĐCT) chính thức đi vào vận hành. Với các doanh nghiệp cung cấp điện, việc mở ra TTBBĐCT góp phần làm tăng tính minh bạch, công bằng trong huy động sản lượng các nhà máy điện, tăng cơ hội cạnh tranh bình đẳng; với người sử dụng sẽ mang lại lợi ích lớn hơn. Tuy nhiên, trong thực hiện TTBBĐCT hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Ngoài EVN đã có thêm 5 đơn vị được mua điện trực tiếp từ nhà máy điện

Phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam. Theo đó, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo lộ trình với 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh, TTBBĐCT và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cụ thể, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1-7-2012, theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ở giai đoạn này, tất cả nhà máy phát điện độc lập sẽ cạnh tranh với nhau, tham gia chào giá lên hệ thống để bán điện cho đơn vị mua buôn điện duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cả nước sẽ mua lại điện do EVN bán ra. Hiện nay đang ở cấp độ thứ hai là TTBBĐCT. Cụ thể, sau thời gian thí điểm thì từ ngày 1-1-2019, TTBBĐCT chính thức vận hành, có nghĩa trong khâu bán buôn điện có nhiều bên bán, nhiều bên mua hơn, đó là những nhà cung cấp và khách hàng lớn. Ở cấp độ thứ ba là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì khi đó các hộ gia đình có thể lựa chọn nhà cung cấp điện có trên thị trường (dự kiến vào năm 2021). Khi đó sẽ có một thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa.

 Thị trường điện sẽ được vận hành theo hướng cạnh tranh minh bạch. Ảnh: Thợ điện của Tổng công ty Điện lực Hà Nội kiểm tra hệ thống điện.

Thị trường điện sẽ được vận hành theo hướng cạnh tranh minh bạch. Ảnh: Thợ điện của Tổng công ty Điện lực Hà Nội kiểm tra hệ thống điện.

Sau 3 tháng TTBBĐCT vận hành chính thức, theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn: Đến nay, bên cạnh EVN có thêm 5 đơn vị được trực tiếp mua điện thông qua thị trường này, gồm: Tổng công ty (TCT) Điện lực miền Bắc (EVNNPC), TCT Điện lực miền Trung (EVNCPC), TCT Điện lực miền Nam (EVNSPC), TCT Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), TCT Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC). Các TCT này được phép trực tiếp mua điện từ một số nhà máy điện. Hiện nay, sản lượng điện được mua trực tiếp chiếm 10% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi: Việc đưa TTBBĐCT vào vận hành đem lại lợi ích cho người sử dụng điện vì có thêm nhiều người bán, nhiều người mua thì sẽ có sự cạnh tranh, dẫn tới giá điện được phản ánh sát thực tế. Việc này cũng mang lại lợi ích cho các đơn vị cung cấp điện trong việc chủ động công tác vận hành, rút ngắn thời gian bảo trì, sửa chữa, cắt giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) thuộc EVN cho biết: "Qua thời gian thí điểm TTBBĐCT đã có sự thay đổi rõ rệt về mặt nhận thức và tổ chức công việc của các TCT điện lực. Nếu trước đây, các TCT điện lực chưa hoặc không quan tâm nhiều đến những hình thái phát điện, giá thành ra sao, vận hành thế nào, nguồn nào là nguồn có nhiều ưu thế, vận hành có ổn định hay không, thì khi tham gia thị trường bán buôn, các đơn vị này phải tìm hiểu rõ các điều trên và phải làm việc chặt chẽ với nguồn điện để có hiệu quả kinh doanh tốt nhất".

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu cho phép có thêm các TCT được mua điện trực tiếp từ nhà máy và một số nhà máy được bán điện trực tiếp cho các TCT. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai TTBBĐCT, Bộ Công Thương đã gặp nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách, thuế, hạ tầng cơ sở, do các giao dịch tăng khá nhiều so với trước đây".

Phòng điều hành của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai TTBBĐCT là làm sao xây dựng cơ chế bù chéo cho các TCT điện lực, vì hiện nay khâu phát điện-đầu vào đã được tiến hành theo thị trường, trong khi giá bán lẻ-đầu ra vẫn tiếp tục được điều tiết, điều này gây khó cho các TCT điện lực trong vấn đề bảo đảm cân bằng tài chính. Giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn: Bộ Công Thương đang cố gắng hoàn thiện sớm hành lang pháp lý cho TTBBĐCT. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ vận hành; đồng thời tổ chức sơ kết 3 tháng vận hành để tập hợp vướng mắc, từ đó tìm giải pháp giải quyết.

Góp ý các giải pháp vận hành hiệu quả TTBBĐCT, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường điện, nhất là phương án bù chéo cho các TCT điện lực; xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà máy điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường phát điện. Đặc biệt, để có một thị trường điện đúng nghĩa, ngành điện phải tách bạch các khâu phát điện với truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ để bảo đảm công bằng quyền lợi cho tất cả các bên tham gia. Có nghĩa là, ngành điện phải tách đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện thành những đơn vị độc lập, không có chung lợi ích với các đơn vị tham gia thị trường điện. Các TCT phát điện, các nhà máy điện thuộc EVN (trừ các nhà máy lớn, đa mục tiêu) phải tách thành đơn vị độc lập, không chung lợi ích với bên bán buôn, truyền tải, điều độ và đơn vị điều hành giao dịch.

Theo ông Trần Viết Ngãi, trong thời gian tới, các đơn vị tham gia thị trường điện cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm cho TTBBĐCT vận hành minh bạch, hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến công tác vận hành lưới điện thông minh với sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.

Chia sẻ về quá trình tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) ra khỏi EVN, trở thành đơn vị hạch toán độc lập, ông Nguyễn Đức Cường cho biết: "Nằm trong tiến trình về phát triển thị trường điện lực Việt Nam và cũng nằm trong đề án tái cơ cấu EVN thì A0 sẽ xây dựng đề án để chuyển thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Việt Nam. Trên cơ sở đó, EVN giao cho A0 xây dựng đề án. Hiện đề án đã hoàn thành và đang được EVN trình các cấp cao hơn để thẩm duyệt. Cùng với đó, để bảo đảm vận hành thị trường điện hiệu quả trong năm 2019, A0 sẽ tính toán phân bổ sản lượng cho các TCT điện lực, mô phỏng thị trường điện bán buôn theo quy định bảo đảm công bằng, minh bạch với các bên tham gia; tính toán lập kế hoạch vận hành thị trường điện, lập lịch huy động ngày tới, giờ tới bảo đảm 100% phương thức đạt mục tiêu tối ưu hóa chi phí mua điện. A0 cũng sẽ đưa vào vận hành các hệ thống dự báo công suất phát của nguồn năng lượng tái tạo và hệ thống giám sát chất lượng điện năng, giám sát công suất phát của các nguồn năng lượng tái tạo theo khả năng tải của lưới điện khu vực...".

Việc vận hành TTBBĐCT là bước quan trọng để hướng đến thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Khi thị trường điện thực sự vận hành theo cơ chế thị trường thì từng người sử dụng có thể mua điện của các nhà cung cấp phù hợp, thúc đẩy đa dạng nguồn phát điện, giảm chi phí, hạn chế tổn thất điện năng và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-moi-truong-canh-tranh-cong-bang-cho-thi-truong-dien-572124