Tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Những năm qua, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu trong bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, bảo vệ an toàn trẻ em.

Chương trình truyền thông chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới nơi công cộng được tổ chức tại Hà Nội.

Chương trình truyền thông chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới nơi công cộng được tổ chức tại Hà Nội.

Những năm qua, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu trong bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, bảo vệ an toàn trẻ em.

Nhưng thực tế vẫn còn những trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại, thậm chí trở thành nạn nhân của tình trạng mua bán người. Ðể khắc phục triệt để tình trạng này, Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi truyền thông, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em.

Hội LHPN thành phố Hà Nội vừa tổ chức chương trình "Truyền thông chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới nơi công cộng" tại huyện Chương Mỹ nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, nhưng những hiện tượng xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là xâm hại tình dục vẫn xảy ra. Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, trên địa bàn thành phố, từ năm 2015 đến giữa năm 2019 đã phát hiện có 655 trẻ em bị xâm hại, trong đó 253 trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Buổi truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với chống bạo lực về giới; để mọi người nâng cao ý thức xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Nếu xảy ra các hành vi xâm phạm, hãy dũng cảm lên tiếng để bảo vệ mình, gián tiếp bảo vệ người khác. Ðây chỉ là một trong nhiều hoạt động của Hội LHPN thành phố Hà Nội nhằm tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Do nhận thức của người dân về bạo lực trên cơ sở giới nói riêng, bạo hành nói chung còn hạn chế, thời gian qua, Hội LHPN thành phố liên tục thực hiện các chương trình truyền thông, nhất là tại địa bàn các huyện ngoại thành, các trường học trên địa bàn để nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp mọi người đánh giá đúng hành vi xâm hại; tránh tình trạng sợ ảnh hưởng danh dự dẫn đến e ngại lên tiếng... Hội LHPN thành phố cũng chú trọng việc hướng dẫn phụ nữ, trẻ em tự vệ trước nguy cơ xâm hại.

Ngoài truyền thông, Hội LHPN các cấp xây dựng hàng chục mô hình khác nhau để giúp đỡ phụ nữ, trẻ em tránh nguy cơ bị bạo lực, xâm hại; hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khi không may bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, nổi bật là mô hình "Ðịa chỉ tin cậy tại cộng đồng". Ðây là nơi mà những phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình có thể đến khi cần xin tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình hoặc tìm đến để xin hỗ trợ, giúp đỡ trong những trường hợp cần bảo vệ kịp thời, nhằm tránh những hành vi bạo lực tiếp theo của người gây ra bạo lực gia đình. Thành phố hiện xây dựng được 1.990 "Ðịa chỉ tin cậy tại cộng đồng". Các quận, huyện triển khai tốt mô hình này là: Long Biên, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoài Ðức, Gia Lâm...

Trong đó, quận Thanh Xuân đã xây dựng mô hình "Ðịa chỉ tin cậy tại cộng đồng" ở 11 phường. Các điểm này không chỉ tư vấn, hỗ trợ kiến thức liên quan đến gia đình, nuôi dạy con, phòng, chống bạo lực cho chị em, mà còn là điểm tựa khi phụ nữ và trẻ em bị bạo hành. Tính trên toàn địa bàn, các địa chỉ này đã tư vấn, hỗ trợ gần 100 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, hôn nhân, mâu thuẫn cộng đồng; tổ chức trợ giúp pháp lý cho gần 600 phụ nữ; tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực, phòng, chống tội phạm, bảo đảm an toàn trong môi trường mạng xã hội cho hơn 35 nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ…

Từ tháng 5-2020, Hội LHPN thành phố xây dựng thí điểm mô hình "Làng quê an toàn" tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên). Mô hình "Làng quê an toàn" bao gồm 12 tiêu chí an toàn và năm yếu tố cần có. Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Túc Nguyễn Thị Vi cho biết, mô hình "Làng quê an toàn" hướng đến mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình, phòng, chống nạn mua bán người và xâm hại tình dục, bạo lực học đường, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Triển khai mô hình này, người dân được tuyên truyền về bình đẳng giới để điều chỉnh hành vi ứng xử với phụ nữ, phụ nữ không chỉ được hướng dẫn, giúp đỡ để bảo vệ mình mà còn tham gia vào các hoạt động xây dựng làng quê đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau để khắc phục khó khăn, giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế. Ðây là mô hình tác động đến các mặt đời sống xã hội, không chỉ dừng lại ở "an toàn" mà còn tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em được phát huy cao nhất năng lực, khả năng sáng tạo, được đối xử công bằng, không bị kỳ thị, xa lánh. Mới đây, để bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ yếu thế, xã Phú Túc đã ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tự lực của xã. Một số mô hình đáng chú ý khác cần phải kể đến như: "Nhà trọ an toàn" ở huyện Ðông Anh; mô hình "Cùng chia sẻ" tại quận Cầu Giấy.

Năm 2020, Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi online "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em" trên trang Fanpage của Hội với hơn 23 nghìn người tham gia; duy trì, nhân rộng và xây dựng mới nhiều mô hình phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em như mô hình Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; 51 tổ "Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em"; 1.931 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ;110 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; 15 câu lạc bộ "Phòng chống mua bán phụ nữ trẻ em"; tổ chức trợ giúp pháp lý cho hơn 230.000 phụ nữ trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Thời gian tới, Hội LHPN thành phố sẽ tiếp tục có những hoạt động thiết thực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người…, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng một cộng đồng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Liên Phương

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/tao-moi-truong-an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em-628497/