Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở tôn giáo chữa bệnh, cứu người

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, vai trò của nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo đã được phát huy trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS... và vận động hiến tặng mô, tạng. Đảng, Nhà nước đã và sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở tôn giáo chữa bệnh, cứu người.

Ngày 19.1, tại TP.HCM, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước và các địa phương cũng cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo tốt hơn nữa.

“Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký hành nghề y tế tư nhân. Cụ thể, y sĩ Đông y không cần thực tập 2 năm trở lên mới được đăng ký hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo”, ông Lê Thành Tâm - đại diện Ban trị sự Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến tại Hội nghị.

Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch TƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch TƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo ông Tâm, hiện nay Tỉnh hội Đồng Tháp có 10 chi hội. Mỗi chi hội đều có tổ chức phòng khám, chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp y học cổ truyền. Năm 2018, có hơn 26.700 lượt người khám chữa bệnh tại các phòng khám, chi phí hơn 4,5 tỷ đồng.

“Hiện, lòng tin của bệnh về phương pháp điều trị bằng thuốc Nam ngày càng đông, nhưng nhân viên phòng thuốc còn hạn chế nên việc khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu bệnh nhân”, ông Tâm cho biết.

Tại Hội nghị, đại diện một số tôn giáo có tham gia phòng khám từ thiện cũng cho biết, việc Bộ Y tế cắt 70% ưu đãi ngành ảnh hưởng đến thu nhập của nhân viên y tế tại phòng khám, khu điều trị vốn đã hạn hẹp; việc cây thuốc Nam ngày càng cạn kiệt ảnh hưởng đến lượng thuốc cho bệnh nhân nên cần phải được cho khai thác mở rộng tại những cánh rừng có nguồn thuốc này; việc tổ chức khám, chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp khó do thủ tục;...

Phòng khám từ thiện Chùa Phước An (Cần Thơ) tổ chức khám bệnh cho bệnh nhân nghèo.

Không chỉ có các tôn giáo, đơn vị quản lý cũng đề xuất ý kiến tháo gỡ khó khăn cho các phòng khám từ thiện hoạt động. Đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa các hoạt động khám, chữa bệnh của các phòng khám của các tôn giáo bằng văn bản, tạo khung pháp lý cho các tổ chức, cá nhân và các tôn giáo thuận lợi cho việc tham gia hoạt động xã hội.

Theo ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN, những năm qua, để thúc đẩy sự phát triển các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của các tôn giáo, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các đối tượng: người nghèo, người khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần, hiến tặng mô, tạng được xây dựng và ban hành nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các phòng khám từ thiện hoạt động...

Ông Thực cho biết thêm, hiện cả nước có 200 cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo có quy mô và hơn 500 cơ sở nhỏ, lẻ. Hình thức tổ chức của các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo là các phòng chẩn trị y học cổ truyền, phòng khám chuyên khoa do các cơ sở tôn giáo tổ chức thực hiện. Kinh phí chủ yếu do đóng góp của các tổ chức cá nhân, kinh phí của cơ sở tôn giáo. Trong năm 2018, ước tính có hơn 710.000 lượt người khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Ông Lê Thành Tâm - đại diện Ban Trị sự Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến.

"Ngoài ra, với việc tham gia, vào cuộc của các tổ chức tôn giáo, từ 2015 - 2018, cả nước đã tuyên truyền, vận động hơn 1.900 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, 743 người đăng ký hiến xác… Vai trò của nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo bước đầu đã được phát huy trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật”, ông Thực xác nhận.

Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch TƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian tới Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế… sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các phòng khám chữa bệnh nhân đạo của các tôn giáo hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Hội nghị cũng biểu dương, khen thưởng cho 20 tập thể và 15 cá nhân có thành tích trong việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Ông Mẫn đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường hỗ trợ các phòng khám, tạo điều kiện thuận lợi hơn nhằm đẩy mạnh xã hội hóa y tế trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến mong các tôn giáo tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hoạt động đầy tính nhân văn này, nhằm góp phần thực hiện tốt việc xã hội hóa các hoạt động xã hội từ thiện, trong đó có khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là bệnh nhân nghèo.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, các chủ trương của Đảng và những văn bản pháp luật đã tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện để các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo và vận động hiến tặng mô, tạng; là công cụ pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động này.

“Qua triển khai thực hiện, vai trò của nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo đã được phát huy trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần và vận động hiến tặng mô, tạng”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Trần Đáng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tao-moi-dieu-kien-thuan-loi-de-cac-co-so-ton-giao-chua-benh-cuu-nguoi-949356.html