'Tạo mọi điều kiện để tư nhân tham gia phát triển năng lượng'

'Chỗ nào cần đảm bảo quốc phòng an ninh, an ninh năng lượng quốc gia thì chỗ đó Nhà nước làm, còn lại giao và khuyến khích tư nhân đầu tư', Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ.

Sáng 8/5, tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương quán triệt Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, đã dành 2 giờ để nói về định hướng và chiến lược phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới.

Ông nhấn mạnh an ninh năng lượng gắn chặt chẽ với phát triển bền vững. Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì vậy, bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng.

Cũng từ nhận định đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ ngành năng lượng về nhiều mặt với phương châm "năng lượng phải đi trước một bước".

Xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch

Nhắc đến Nghị quyết 55 vừa được Bộ Chính trị ban hành hồi đầu năm, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh nhiều quan điểm cơ bản của Đảng về phát triển năng lượng quốc gia từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước hết, việc bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước.

“Đây là một nhiệm vụ rất khó”, ông Bình nói và lưu ý phải có thị trường mới có thể phát triển năng lượng một cách nhanh và bền vững.

 Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của ngành năng lượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Trung.

Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của ngành năng lượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Trung.

Cùng với đó, phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.

Đặc biệt, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Ông Bình phân tích, nền kinh tế của Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng XHCN, bao gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân. Đảng ta xác định kinh tế Nhà nước là chủ đạo, doanh nghiệp Nhà nước là then chốt, còn kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng và cần có sự kết hợp giữa kinh tế Nhà nước và tư nhân.

“Doanh nghiệp Nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt chứ không phải làm tất cả. Chỗ nào cần đảm bảo quốc phòng an ninh, an ninh năng lượng quốc gia thì chỗ đó Nhà nước làm, còn lại giao và khuyến khích tư nhân đầu tư”, ông Bình quán triệt.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ dừng lại ở chính sách khuyến khích chung chung.

Ngoài ra, cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

“Vừa rồi báo chí nêu nhà máy điện mặt trời, điện gió xây dựng xong không có đấu nối, đường truyền tải điện. Như vậy chẳng ích gì mà tiền đầu tư lại để đó, đó là bất cập. Tiền của Nhà nước hay tư nhân cũng là nguồn lực của xã hội, không thể lãng phí như vậy”, ông Bình nhấn mạnh.

Đầu tư năng lượng khó, nhưng Việt Nam làm rất tốt

Nhắc lại chặng đường lịch sử, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết ngay từ khi đất nước còn chiến tranh, ngành năng lượng đã đóng vai trò rất quan trọng.

“Trong thời chiến, nếu không đảm bảo năng lượng cho hậu phương và tiền tuyến thì có lẽ chúng ta không thể thắng được đế quốc Mỹ. Ngay từ thời chiến tranh ác liệt, chúng ta đã có những đường ống xăng dầu trải dọc Trường Sơn, phục vụ cho chiến trường miền Nam”, ông nói.

Đến giai đoạn đất nước thống nhất và tập trung phát triển kinh tế, đầu tư năng lượng cũng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm.

“Những ai chứng kiến sự phát triển của đất nước từ buổi sơ khai sẽ càng thấm thía vai trò quan trọng của năng lượng. Ngày xưa, thời kỳ khó khăn chúng ta phải xếp hàng chờ phân phối, để được mua từng lít dầu về đun bếp, thắp đèn", Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ.

Dự án điện mặt trời lớn nhất ở Ninh Thuận. Ảnh: Lê Quân.

Ông nhấn mạnh nhu cầu năng lượng hàng ngày rất lớn ngày nay càng cho thấy vai trò to lớn của lĩnh vực này. Năng lượng là một điểm sáng, cũng là một tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta.

Theo ông Bình, cái khó của đầu tư năng lượng là cần nguồn vốn rất lớn trong khi thời gian hoàn vốn rất lâu, nhưng Việt Nam đã làm rất tốt.

Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển ngành năng lượng. Năm 2003, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 26 về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam. Bốn năm sau, Trung ương ban hành Nghị quyết số 18 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhấn mạnh chủ trương của các văn bản này, ông Bình lưu ý an ninh năng lượng gắn với trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng rất chặt chẽ.

“Không có năng lượng thì có xe tăng, thiết giáp hay ôtô cũng chỉ để đấy mà thôi. Nếu không cung cấp đầy đủ năng lượng thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng”, ông Bình nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, từ thời kỳ bao cấp, năng lượng đã là ngành xương sống, các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh năng lượng được coi là quả đấm thép trong phát triển kinh tế - xã hội. Giá năng lượng theo thời gian đã giảm dần, cho thấy đây là bước tiến rất quan trọng.

Các văn kiện của Đảng cũng nhắc đến mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng ượng sinh học và hạt nhân.

Riêng với mục tiêu phát triển điện hạt nhân, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết chúng ta đã có chủ trương và có đề án, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, để phù hợp với thực tiễn và tình hình mới, Đảng và Nhà nước đã quyết định dừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

"Đầu tư trong lĩnh vực năng lượng cũng giống như việc 'liệu cơm gắp mắm' trong cuộc sống hàng ngày. Phải tính toán, tìm hướng đi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình", ông Bình ví von.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tao-moi-dieu-kien-de-tu-nhan-tham-gia-phat-trien-nang-luong-post1082405.html