Tạo mọi điều kiện để phát triển công tác hòa giải ở cơ sở

Từ sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, đội ngũ hòa giải viên ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giữ gìn sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài.

Đổi mới cách thức tập huấn cho hòa giải viên

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, những năm qua TP Hà Nội đã quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Nhiều năm trước đây, các lớp tập huấn cho hòa giải viên của TP Hà Nội chủ yếu tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến hòa giải cơ sở. Từ năm 2017 đến nay, TP đã việc đổi mới nội dung, cách thức tập huấn – tập huấn trên cơ sở báo cáo viên cùng các hòa giải viên trao đổi, thảo luận giải quyết các tình huống.

Trong một buổi tập huấn cho các hòa giải viên của quận Hà Đông, một tình huống tranh chấp đã được báo cáo viên là Thạc sỹ Nguyễn Trọng Nhã - Giảng viên khoa Nhà nước & pháp luật, Học viện Hành chính quốc gia đưa ra để các hòa giải viên cùng trao đổi, thảo luận. Đó là tình huống: “Thửa đất nhà ông M bên trong thửa đất nhà ông D. Để thoát nước thải, hộ ông M phải bắc ống dẫn nước qua thửa đất nhà ông D.

Sau khi mua lại căn nhà của ông D, bà C phá bỏ ngôi nhà cũ để xây nhà mới. Do muốn xây nhà to hơn, bà C yêu cầu ông M chuyển ống dẫn nước sang hướng khác, không đi qua đất nhà bà. Ông M cho rằng đường dẫn ống nước thải hiện nay là tiện nhất, nếu bà C không cho đi qua đất nhà bà thì ông không biết nước thải đi đâu. Ông M đề nghị bà C tiếp tục cho phép ông đặt đường ống dẫn nước qua đất nhà bà và để không ảnh hưởng đến ngôi nhà, ông đồng ý sẽ tiến hành di chuyển đường ống sang sát mép tường xây một cách cẩn thận, không để ống dẫn nước hư hỏng làm ảnh hưởng như bà C không đồng ý. Hai bên lời qua tiếng lại, ai cũng giữ quan điểm của mình. Sau đó, ông M đã liên hệ với tổ hòa giải của xóm nhờ giúp đỡ”.

Trong tình huống này, nhiều giải pháp hòa giải đã được hòa giải viên đề xuất. Mỗi hòa giải viên lại có cho mình một cách thức tiếp cận, hòa giải khác nhau. Có hòa giải viên đưa ra giải pháp ông M có thể thỏa thuận trả cho bà C một số tiền để được tiếp tục đặt đường ống dẫn nước qua đất nhà bà C. Nhưng ngay lập tức, nhiều ý kiến hòa giải viên khác tranh luận lại: “Thế nếu bà C không đồng ý nhận tiền thì phải làm thế nào?”.

Mọi câu hỏi đặt ra đều có cơ sở xảy ra trên thực tế, vậy giải quyết thế nào để thấu lý, đạt tình, để các bên tranh chấp đều cảm thấy “tâm phục, khẩu phục”? Cuộc tranh luận bởi thế trở nên rất sôi nổi, lôi cuốn. Cuối cùng, cùng với sự hướng dẫn của báo cáo viên, các hòa giải viên đã nhất trí đối với tình huống nêu trên hòa giải viên cần đến thực địa quan sát. Nếu quả thực ông M không còn đường nào khác để đặt đường ống dẫn nước và đã dùng tình cảm để thuyết phục mà bà C vẫn không đồng ý thì sẽ phải viện dẫn đến Điều 252 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề để bà C hiểu.

Những câu chuyện của bà C, của ông M nêu trên cũng như nhiều tình huống khác được ra trong buổi tập huấn xoay quanh các mối quan hệ trong gia đình, trong cộng đồng dân cư - rất có thể hòa giải viên đã gặp, đã hòa giải trong thực tế hoặc có thể sẽ gặp trong quá trình hoạt động hòa giải sau này. Việc tổ chức tập huấn thông qua trao đổi tình huống bởi thế giúp hòa giải viên dễ hiểu, dễ nhớ các quy định pháp luật, nhận diện được những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được tiến hành hòa giải. Đồng thời biết lựa chọn thời điểm và cách thức tiếp cận với các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa các quy định pháp luật, đạo đức xã hội, các phong tục tập quán tốt đẹp, vận dụng linh hoạt khéo léo các kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, giải thích, hướng dẫn, thuyết phục, cảm hóa các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn.

Đại diện Phòng PBGDPL Sở Tư pháp Hà Nội thông tin về chế đỗ hỗ trợ kinh phí với hòa giải viên của TP.

Đại diện Phòng PBGDPL Sở Tư pháp Hà Nội thông tin về chế đỗ hỗ trợ kinh phí với hòa giải viên của TP.

Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các tổ hòa giải

“Luật Hòa giải ở cơ sở chưa quy định nguồn kinh phí để chi cho công tác hòa giải. Thực tế chỉ những đơn vị xã, phường, thị trấn có nhiều nguồn thu trên địa bàn mới có điều kiện để quan tâm đến chi kinh phí hoạt động hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, Luật mới chỉ quy định về việc thanh toán kinh phí hòa giải cho từng vụ việc nhưng chưa hướng dẫn đó là vụ việc hòa giải thành hay hòa giải không thành. Nhiều vụ việc hòa giải không thành nhưng lại mất nhiều thời gian, công sức của các hòa giải viên nhưng không được thanh toán. Ngoài ra, kinh phí cho hoạt động hòa giải (kinh phí kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng) còn thấp, khó khăn trong thực hiện thủ tục thanh toán” – PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương thông tin.

Hà Nội luôn xác định việc quan tâm bố trí kinh phí cho hòa giải ở cơ sở sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, trang bị tài liệu cho hòa giải viên…, động viên, khích lệ tinh thần của đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Trong các buổi làm việc về công tác tư pháp nói chung, hoạt động hòa giải cơ sở nói riêng, luôn được lãnh đạo TP lưu ý các địa phương. Các buổi giao ban công tác tư pháp, tập huấn hòa giải, Sở Tư pháp cũng đều lưu ý cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã ngay từ tháng 7,8 hàng năm trên cơ sở kết quả hòa giải trong năm trước chủ động tham mưu cho UBND cấp xã lập dự toán chi hỗ trợ cho công tác hòa giải năm sau.

Năm 2018, việc việc hỗ trợ kinh phí đối với hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở đã được phần lớn UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP quan tâm (với tổng số 5.045.378.780 đồng). Mức hỗ trợ kinh phí cho các vụ việc hòa giải thành hiện tùy thuộc vào điều kiện địa phương để chi với mức chi từ 100.000 đồng - 200.000 đồng/vụ. Trong đó, nhiều quận, huyện chi kinh phí cho công tác hòa giải cao như: Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Mê Linh, Cầu Giấy, Quốc Oai, Sóc Sơn.

Dù kinh phí hoạt động còn hạn chế, nhưng nhiều năm qua với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, đội ngũ hòa giải viên của TP Hà Nội bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, bằng lòng tận tâm với công việc đã chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp. Nhưng với sự quan tâm, đầu tư của TP, đội ngũ hòa giải viên của TP sẽ có thêm sự khích lệ trong những hành trình kết nối yêu thương con người, góp phần đem lại sự yên vui, giữ được tĩnh làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư…

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tao-moi-dieu-kien-de-phat-trien-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-143446.html