Tảo mộ gia tiên

Cứ vào sáng mồng 4 Tết, nhà nhà trong thôn đổ ra cánh đồng Khoang để sửa sang các ngôi mộ của ông bà, tổ tiên cho sạch sẽ. Người ta mang theo dao, xẻng, cuốc để rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ. Vì theo suy nghĩ của họ, động phạm đến mồ mả là phạm tới linh hồn người đã khuất, con cháu trên trần sẽ không yên ổn.

Tảo mộ gia tiên tại cánh đồng Khoang, quê tác giả

Ngày mồng 4 Tết, khu nghĩa địa ở cánh đồng Khoang trở nên đông đúc, nhộn nhịp như ngày hội. Người tảo mộ bày đặt lễ vật mọi thức như thanh bông, hoa quả, rượu, thịt, thức ăn, tiền vàng lên mộ rồi thắp hương, lầm rầm khấn vái. Cả cánh đồng rộng mênh mông bát ngát chìm trong khói hương. Đám trẻ nhỏ chúng tôi cũng được cha mẹ dắt theo đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng tôi lòng biết ơn, ghi nhớ, sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

Tại nghĩa địa, bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ thấp lè tè, nằm lạnh lẽo, ỏn sót, không người thăm viếng. Cha mẹ thường sai chúng tôi cắm lên các ngôi mộ này một nén hương để vong linh họ đỡ tủi.

Nhiều lần, tôi băn khoăn hỏi cha tôi. “Cha ơi! Ông bà chết rồi. Chết là hết, có ăn được đâu mà sao cha vẫn dâng thức ăn, tiền vàng? Chết rồi, biết gì nữa đâu mà sao cha vẫn phải xây, chăm sóc mộ cho đẹp đẽ, khang trang?”. Cha tôi cười hiền: “Không con ơi! Chết không phải là hết. Chết chỉ có thân xác là tan rã, còn linh hồn vẫn tồn tại. Vì thế, dẫu ông bà, tổ tiên không còn sống nhưng họ vẫn dõi theo chúng ta, phù hộ độ trì cho con cháu. Các cụ ta ngày xưa có câu: “Sống là nhờ mồ nhờ mả chứ không ai sống bằng cả bát cơm”. Mồ mả tổ tiên quan trọng lắm. Số phận của một gia đình, dòng họ thịnh hay suy, giàu hay nghèo, sướng hay khổ, phụ thuộc rất nhiều vào mồ mả tổ tiên có phát hay không?”. “Cha ơi! Thế linh hồn là gì? Linh hồn có nhìn thấy không? Tại sao linh hồn lại có thể tác động đến cuộc sống của những người còn sống ạ?”. Cha xoa đầu tôi: “Con còn bé, chưa hiểu được đâu. Lớn lên, tự khắc con sẽ biết”. Nhưng chưa kịp lớn, tôi đã bắt đầu được chứng kiến sự liên hệ, tác động vô hình giữa mồ mả ông bà, tổ tiên đến cuộc sống của con cháu trên trần gian. Nó vô cùng kỳ lạ. Những câu chuyện này, tôi sẽ kể chi tiết trong cuốn sách “Nhật quả và Phật pháp nhiệm màu” tập 3 dự kiến xuất bản trong quý 1 năm 2021.

Sau này, càng sống, càng trải nghiệm, tôi càng tin, tổ tiên luôn đồng hành và yểm trợ cho mình. Bởi tổ tiên không sinh, không diệt. Tổ tiên không ở ngoài tôi, tổ tiên luôn ở trong tôi. Vì thế, mỗi khi thắp hương chắp tay nguyện cầu trước bàn thờ gia tiên, nhất là vào ngày mồng 4 Tết khi đi tảo mộ, chính là dịp đặc biệt nhất để tôi kết nối với tổ tiên. Nhờ đó, tôi không bị mất gốc. Nhờ đó, tôi luôn vững chãi. Một ngày, khi tôi ngộ ra tổ tiên luôn ở trong tôi, trong từng tế bào cơ thể của tôi, tôi không chỉ tu cho riêng tôi nữa mà tôi còn tu cho tổ tiên. Bởi tôi tin, tôi hạnh phúc, tổ tiên sẽ hạnh phúc. Tôi an lạc, tổ tiên sẽ an lạc.

Không kết nối với tổ tiên, mình sẽ mất gốc, sẽ như con ma đói lạc lõng, bơ vơ.

Cầu mong cho tất cả mọi người luôn có sự kết nối với tổ tiên, với gia đình để Tâm luôn vững chãi, không bị mất gốc, không bị bơ vơ, lạc lõng như những "con ma đói".

Hoàng Anh Sương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tao-mo-gia-tien-82454