Táo mèo và chùm ngây 'lên đường' xuất khẩu nhờ công nghệ sấy hồng ngoại

Các nhà khoa học ở Công ty CP Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (IMI) đã công bố xây dựng thành công các quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất trà, bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao giá trị cho các sản vật của Tây Bắc và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở đây.

Sản vật quý của Tây Bắc

Trong hội nghị Tổng kết chương trình Tây Bắc do Bộ KH&CN và Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phối hợp tổ chức, sản phẩm trà táo mèo và bột chùm ngây của IMI đã đặc biệt thu hút sự quan tâm của mọi người, bởi giá trị mới mang lại từ công nghệ chế biến.

Táo mèo và chùm ngây vốn là những sản vật quý của Tây Bắc. Từ lâu, táo mèo đã được dùng làm thực phẩm, làm thuốc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, táo mèo có tác dụng kháng khuẩn, cường tim, làm giãn mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, điều chỉnh rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, phòng ngừa đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, béo phì, viêm cầu thận cấp và mạn tính, giảm kích thích ruột, tiêu chảy…

Các đại biểu tham quan dây chuyền thiết bị – Sản phẩm KH&CN của Dự án

Các đại biểu tham quan dây chuyền thiết bị – Sản phẩm KH&CN của Dự án

Còn cây chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp, gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại acid amin, 46 chất chống ô xy hóa, các chất chống viêm nhiễm, kháng độc tố, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, ổn định huyết áp, hạ cholesterol, kích thích hoạt động của tim và hệ tuần hoàn, bảo vệ gan, chống nấm, lợi tiểu, hạ huyết áp, trị tiểu đường...

Vì thế, những năm gần đây, diện tích trồng táo mèo và chùm ngây tăng cao, đạt sản lượng tương đối lớn. Nhưng táo mèo và chùm ngây mới chỉ được sử dụng dưới dạng nguyên liệu thô như ngâm rượu, phơi khô, làm thực phẩm hàng ngày. Trong khi đó, các sản phẩm trà thảo dược táo mèo và bột dinh dưỡng chùm ngây lại đang được người tiêu dùng châu Âu và Mỹ ưa chuộng... Một số đối tác nước ngoài đã nhờ IMI tìm mua sản phẩm làm từ táo mèo của Việt Nam, song các sản phẩm này lại chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài, do công nghệ chế biến không đảm bảo chất lượng.

Từ thực tế trên, IMI đã quyết định thực hiện dự án “Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc”, do TS. Trần Ngọc Hưng làm chủ nhiệm với sự phối hợp của Công ty CP Chè San Tuyết. Dự án này thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ KH&CN giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì.

Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện công nghệ chế biến trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng hoàn thiện thiết kế và chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất trà, bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây, đồng thời, tạo mô hình vùng trồng táo mèo và chùm ngây với diện tích mô hình thực nghiệm.

Dây chuyền chế biến trà và bột dinh dưỡng từ cây chùm ngây và quả táo mèo ứng dụng công nghệ sấy hồng ngoại.

Công nghệ cao nâng tầm giá trị sản vật

Sau 2 năm triển khai dự án, các tác giả đã hoàn thiện quy trình công nghệ sấy nguyên liệu bằng hồng ngoại để chế biến trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhóm tác giả đã rất linh hoạt trong việc kết hợp công nghệ sấy hồng ngoại của Đức giúp giữ nguyên các chất có trong dược liệu, với việc lập trình tự động hóa toàn bộ quy trình thực hiện, đảm bảo thiết bị đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu nhưng giá thành rẻ hơn nhiều so với nhập ngoại. Các hệ thống thiết bị này đều đạt tiêu chuẩn GMP và chỉ tiêu kỹ thuật đã đăng ký trong thuyết minh dự án.

Điểm đặc biệt khi sử dụng lò sấy ứng dụng công nghệ hồng ngoại để sấy táo mèo, chùm ngây là duy trì được nhiệt độ sấy tối ưu nên không ảnh hưởng tới các thành phần của nguyên liệu, không gây ra các chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người do nguyên liệu không bị cháy…

Dây chuyền thiết bị đã được lắp đặt tại Công ty Cổ phần chè San Tuyết (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Hiện hệ thống đã đi vào hoạt động ổn định với công suất khoảng 1 tấn táo tươi/ngày. Mẫu sản phẩm được gửi sang Đức để kiểm nghiệm chất lượng và kết quả trả lại đều tốt. Ngoài Đức, một doanh nghiệp ở Nga cũng có ý định nhập khẩu sản phẩm này.

Ngoài hiệu quả đạt được khi tiến hành sấy táo mèo và chùm ngây, lò sấy ứng dụng công nghệ hồng ngoại còn cho chất lượng rất tốt khi dùng cho các dược liệu khác như khi sấy màng gấc, hàm lượng lycopene của màng gấc sấy bằng lò sấy hồng ngoại cao gấp khoảng 1,8÷2 lần so với lò sấy sử dụng công nghệ khí nóng tuần hoàn; khi sấy hoa tam thất, sản phẩm hoa tam thất không bị giòn, không dập gẫy, không nát vụn và khô đều từ trong ra ngoài, đặc biệt hàm lượng dược tính trong hoa tam thất hầu như không bị mất đi…

Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng được mô hình vùng trồng táo mèo với diện tích 5ha tại xã Nậm Khắc, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và mô hình trồng chùm ngây với diện tích thực nghiệm 1ha tại xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Sản phẩm bột dinh dưỡng chùm ngây, trà hòa tan táo mèo và trà túi lọc táo mèo

Đặc biệt, dự án đã sản xuất thử nghiệm 5.000 hộp trà tan táo mèo (hộp 24 gói, 7gr/gói), 5.000 hộp trà túi lọc táo mèo (hộp 24 gói, 2,5gr/gói) và 1.000 gói bột dinh dưỡng chùm ngây (250gr – 500gr/gói). Trong đó, sản phẩm bột dinh dưỡng chùm ngây được sản xuất trên dây chuyền công nghệ thiết bị hiện đại đảm bảo tiêu chuẩn GMP về thực hành sản xuất sạch của WHO và quy định về sản phẩm sấy của châu Âu. Các sản phẩm trà hòa tan táo mèo, trà túi lọc táo mèo và bột dinh dưỡng chùm ngây sử dụng công nghệ sấy hồng ngoại do Công ty sản xuất đã được người tiêu dùng chấp nhận và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ…

Theo TS. Trần Ngọc Hưng, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây tại vùng Tây Bắc, từ đó, tạo ra sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng này. Ngoài việc thúc đẩy trồng các loại cây đem lại giá trị kinh tế lớn, góp phần vào quy hoạch phát triển lâm nghiệp của từng tỉnh, dự án còn góp phần quảng bá đặc sản của vùng Tây Bắc, đem thương hiệu của táo mèo và chùm ngây của Việt Nam đến với bạn bè năm châu.

Với việc góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông - lâm đặc sản, dự án này sẽ thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng Tây Bắc.

Thái Hoàng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/tao-meo-va-chum-ngay-len-duong-xuat-khau-nho-cong-nghe-say-hong-ngoai-614221/