Tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Nếu dự án tuyến đường vành đai 4 và vành đai 5 - vùng Thủ đô, cũng như các tuyến cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long sớm được đầu tư sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ hoàn thiện sẽ góp phần phát triển kinh tế các địa phương.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ hoàn thiện sẽ góp phần phát triển kinh tế các địa phương.

Rà soát quy hoạch, tính toán lại quy mô đầu tư

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay, vùng Thủ đô Hà Nội gồm 9 tỉnh, theo quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội có 2 tuyến đường vành đai vùng (vành đai 4 và vành đai 5). Cụ thể, đường Vành đai 4 đi qua TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh, với chiều dài 98km. Đường vành đai 5 đi qua 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) có chiều dài 331km với mục tiêu hình thành vành đai giao thông liên kết các đô thị đối trọng của các địa phương liền kề Thủ đô Hà Nội.

Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án (QLDA) 2 và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) phối hợp làm việc với thành phố Hà Nội rà soát lại quy hoạch đường vành đai 4 trên địa bàn quản lý. Đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán lại quy mô đầu tư phù hợp từng khu vực có tính kết nối, đồng bộ mạng lưới giao thông với khu vực Hà Nội; nghiên cứu phương án xây dựng đường trên cao đáp ứng phát triển lâu dài. Với đường vành đai 5, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh có tuyến đi qua, tổ chức rà soát quy hoạch nghiên cứu phương án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác.

Qua nghiên cứu, phân tích các phương án về đường vành đai 4 do Bộ GTVT đề xuất, Sở GTVT Hà Nội đề nghị đầu tư toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Đối với đường vành đai 5, Bộ GTVT đề nghị các địa phương tập trung và huy động nguồn lực để đầu tư dự án, đẩy nhanh tiến độ thông tuyến trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Điều chỉnh quy hoạch các tuyến cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cùng với nghiên cứu, rà soát quy hoạch và quy mô đầu tư đường vành đai 4 và 5 của vùng Thủ đô, Bộ GTVT cũng mới yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA Mỹ Thuận điều chỉnh quy hoạch cục bộ phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận chỉ đạo tư vấn thiết kế nghiên cứu quy mô, phương án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn tuyến kéo dài đến cảng Trần Đề) trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ GTVT; lấy ý kiến thỏa thuận của các địa phương liên quan làm cơ sở báo cáo bộ xem xét, chấp thuận. Ban QLDA Mỹ Thuận lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (điều chỉnh phương án tuyến và lộ trình đầu tư); Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (bổ sung đoạn tuyến kéo dài đến cảng Trần Đề, lộ trình đầu tư) An Hữu - Cao Lãnh thuộc tuyến Trà Vinh - Hồng Ngự (bổ sung); Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (điều chỉnh lộ trình đầu tư). Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ các tuyến cao tốc gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 20/3.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải phối hợp với Ban QLDA Mỹ Thuận trong quá trình nghiên cứu quy mô, phương án tuyến đối với các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đồng thời hướng dẫn Ban QLDA Mỹ Thuận lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ 4 tuyến cao tốc nêu trên.

Trên cơ sở hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ 4 tuyến cao tốc do Ban QLDA Mỹ Thuận lập trình Bộ GTVT về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Tổng cục Đường bộ kiểm tra, rà soát và trình Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch 4 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Trà Vinh - Hồng Ngự; Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu trước ngày 25/3 làm cơ sở để Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ kế hoạch đầu tư 7 tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37.272 tỷ đồng.

Cụ thể, 7 tuyến cao tốc bao gồm các đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Về tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030.

Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện.

Trí Dũng – Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2021-03-12/tao-lien-ket-vung-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-100946.aspx