Tạo lập thị trường nước sạch đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp tham gia

Thị trường nước sạch cần được xây dựng theo hướng thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia và đây là yếu tố giúp gia tăng tỷ lệ tiếp dân số cận nước sạch.

Mục tiêu xây dựng một thị trường nước sạch minh bạch, lành mạnh với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân đã thu hút nhiều ý kiến thảo luận tại tọa đàm "Chìa khóa nào cho bài toán nước sạch" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/6/2022.

1 mét khối nước sạch hiện do 5 bộ quản lý

Dưới góc độ số liệu tổng quan thì thị trường nước sạch của Việt Nam khá là khả quan. Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, cả nước hiện nay có khoảng 250 doanh nghiệp cấp nước đô thị, trong đó có 50% chuyển từ công ty trách nhiệm một thành viên sang công ty cổ phần, có 8 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình trách nhiệm một thành viên.

Cùng đó cả nước có tổng số hơn 750 nhà máy nước sạch khu vực đô thị và nông thôn có tổng công suất 11,2 triệu ㎥. Tỉ lệ dân cư được cung cấp nước sạch là 92%, tỉ lệ thất thoát hơn 17%. Nếu so với 30 năm trước, năm 1988, tổng công suất cấp nước phạm vi cả nước là 1,67 triệu m3 mà bây giờ là 11,2 triệu㎥, gấp gần 10 lần. Phạm vi cấp nước của khu vực đô thị tăng 2 lần, tỉ lệ thất thoát từ 40% xuống còn hơn 17%.

Tuy nhiên một thực tế khác của thị trường nước sạch lại là ở chỗ 1㎥ nước sạch hiện có đến 5 bộ quản lý. Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhìn nhận để có một khối nước sạch đến với người dân, trách nhiệm quản lý về nguồn tài nguyên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm cấp nước ở khu đô thị, theo vùng trách nhiệm thuộc Bộ Xây dựng; cấp nước nông thôn thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; điều tiết giá là Bộ Tài chính; quy chuẩn, tiêu chuẩn về nước sinh hoạt là Bộ Y tế.

Cùng đó một số ý kiến tại tọa đàm cho rằng, hiện còn có những cách hiểu khác nhau về thế nào là nước sạch và điều này dẫn đến sự vênh nhau, không thống nhất giữa các cơ quan chức năng quanh tỷ lệ người dân khu vực đô thị và nông thôn.

Hơn nữa như ý kiến của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, sự đầu tư của Nhà nước cho các dự án nước sạch là có hạn và đang có xu hướng giảm. Trong khi đó việc thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp trong khoảng thời gian vừa rồi còn nhiều khó khăn từ cấu trúc thị trường cung cấp nước sạch chưa rõ ràng, rành mạch. Điều này dẫn đến hiện tượng là giá 1 mét khối nước có nơi chỉ 7.000 – 8.000 đồng, trong khi có nơi lên đến 15.000 -16.000 đồng.

Hướng tới một thị trường nước sạch rành mạch, đủ sức thu hút doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, xương sống của thị trường nước sạch Việt Nam hoạt động là Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Đến nay đã là 15 năm, khoảng thời gian mà ông Điệp nhìn nhận là “quá lâu” với một bản nghị định, cho dẫu nghị định này đã được sửa đổi.

Ông Nguyễn Quang Đồng nhìn nhận, thị trường nước sạch có thể được phân thành 3 công đoạn gồm sản xuất nước, phân phối nước và bán lẻ nước. Trong 3 công đoạn như vậy phải xác định là Nhà nước dẫn dắt ở công đoạn nào, tư nhân được tham gia vào công đoạn nào, chứ không phải chúng ta mở cửa toàn bộ thị trường, tư nhân tham gia cả.

Phải có những chỗ Nhà nước cần nắm bởi nước là hàng hóa công hoặc là bán công”- vị chuyên gia này nói.

Dưới khía cạnh tạo dựng hành lang pháp lý cho thị trường nước sạch, ông Châu Trần Vĩnh cho rằng, tốt nhất là xây dựng riêng luật về cấp thoát nước hoàn chỉnh. Tuy nhiên để có một luật như vậy cần phải tích hợp được các điều luật của Luật giá, Luật Đầu tư công, Luật Đối tác công tư, kể cả Luật Tài nguyên nước. Đây cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

“Không còn cách gì khác ngoài sự nỗ lực tối đa của các bộ, ngành, địa phương để có một bộ luật với các tiêu chí cao nhất đảm bảo được nước sạch cho người dân”- ông Vĩnh nói.

Thị trường nước sạch đang cần hành lang pháp lý đủ mạnh (Ảnh minh họa)

Thị trường nước sạch đang cần hành lang pháp lý đủ mạnh (Ảnh minh họa)

Một vấn đề thu hút nhiều ý kiến thảo luận tại tọa đàm là xây dựng được các cơ chế để thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia. Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nêu quan điểm dù xây dựng luật nào đó liên quan đến thị trường nước sạch thì luật đó phải có sớm để có cơ chế đầu tư, quản lý.

Ông Công phân tích, theo hệ thống luật nếu chỉ có 1 nhà đầu tư thì không có vấn đề gì, nhưng nếu có từ 2 nhà đầu tư thì bài toán lựa chọn nhà đầu tư như thế nào? Nếu theo Luật Đấu thầu cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, ông Công cho hay.

Một thực tế nữa được ông Công cho hay là ở Hà Nội, các nhà đầu tư tư nhân hoàn toàn không mặn mà với việc đầu tư cấp nước mặt.

Còn ông Nguyễn Quang Đồng thì lưu ý đến vấn đề vấn đề vai trò điều phối liên ngành từ nguồn nước là vai trò quan trọng không thuộc về một địa phương, cần có sự thống nhất đồng bộ, hài hòa giữa các vùng, không nên quá xé lẻ cho từng tỉnh.

Chúng ta cần bóc tách từng vấn đề liên quan đến thị trường nước sạch để có giải pháp tiếp cận phù hợp”- ông Đồng nói.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tao-lap-thi-truong-nuoc-sach-du-suc-hap-dan-doanh-nghiep-tham-gia-181622.html