Tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận cho chè Phú Thọ

Việc xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận không chỉ góp phần kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm Chè Phú Thọ.

Diện tích trồng chè ở Phú Thọ đứng thứ 4 cả nước sau Hà Giang, Thái Nguyên, Lâm Đồng.

Diện tích trồng chè ở Phú Thọ đứng thứ 4 cả nước sau Hà Giang, Thái Nguyên, Lâm Đồng.

Phú Thọ được biết đến là xứ sở của “rừng cọ, đồi chè”, là cái nôi của cây chè Việt. Năm 2018, diện tích trồng chè của tỉnh là 16,2 nghìn ha, trong đó có 15,6 nghìn ha diện tích chè cho sản phẩm. Năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt hơn 111 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 173 nghìn tấn, đưa Phú Thọ trở thành tỉnh đứng thứ 4 cả nước về diện tích trồng chè, sau các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Lâm Đồng và đứng thứ 3 về sản lượng chè.

Ths. Vũ Xuân Khiêm, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Phú Thọ cho biết, từ lâu cây chè đã được tỉnh Phú Thọ xác định là một trong những cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Chè được trồng tập trung tại các huyện: Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa, Phù Ninh, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy, Cẩm Khê và thị xã Phú Thọ. Hiện toàn tỉnh đã có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn, chiếm 24,1% diện tích chè cho sản phẩm. Trong đó, 1,95 nghìn ha đạt tiêu chuẩn RFA, UTZ…

Về sản phẩm, theo ông Khiêm, Phú Thọ có 2 sản phẩm chủ yếu là chè xanh và chè, Cơ cấu sản phẩm chè xanh chiếm khoảng 30%, chè đen chiếm 70%. Toàn tỉnh hiện có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 08 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước xây dựng thương hiệu chè riêng cho mình như: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, Phú Hộ Trà...

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đã hình thành 15 làng nghề sản xuất, chế biến chè xanh, như: Làng nghề chè chùa Tà, làng nghề chế biến chè Ngọc Đồng, Hoàng Văn, làng nghề sản xuất chè Phú Thịnh.... Đến nay, mới có 01 nhãn hiệu tập thể "Chè xanh Chùa Tà" cho sản phẩm chè xanh của làng Chùa Tà, xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận số 258995 theo Quyết định số: 12181/QĐ-SHTT ngày 03/03/2016.

Từ thực tế tình hình quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh chè tên địa bàn tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Phú Thọ đã đề xuất xây dựng và triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ” trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

Theo ông Khiêm, hình thức bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận được đánh giá là phù hợp nhất để xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển ngành chè Phú Thọ trong thời điểm hiện nay. Nhãn hiệu chứng nhận cung cấp cơ sở hợp tác có lợi giữa người sản xuất và kinh doanh chè trên toàn địa bàn tỉnh Phú Thọ. Thông qua hoạt động kiểm soát của chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận - người tiêu dùng được đảm bảo rằng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường….

Chè Phú Thọ được xây dựng và phát triển thương hiệu là một bước phát triển mới cả về chất và lượng. Phú Thọ sẽ có thêm một thương hiệu ngày càng lớn mạnh, một sản phẩm mang giá trị kinh tế nằm trong chuỗi các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn tạo nên giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp…

Việc xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho sản phẩm Chè của tỉnh Phú Thọ sẽ góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm chè Phú Thọ trên thị trường, làm tăng giá trị và uy tín của sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh” – ông Khiêm nhấn mạnh.

Hằng Hà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/tao-lap-quan-ly-va-phat-trien-nhan-hieu-chung-nhan-cho-che-phu-tho-161910.html