Tạo lập một đô thị không ngừng đổi mới, hiện đại

Thủ đô Hà Nội không ngừng 'thay da, đổi thịt', diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại. Đây là những thành công bước đầu, minh chứng rõ nét cho kết quả của Chương trình 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016-2020'.

Công viên hồ điều hòa Nhân Chính.

Đòn bẩy phát triển hạ tầng

Thông tin về kết quả triển khai Chương trình 06-CTr/TU, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Sau 4 năm triển khai, Chương trình đã thực sự trở thành đòn bẩy đối với công tác phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

Từ danh mục 55 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành đã nỗ lực khắc phục khó khăn về giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực đầu tư. Đến hết năm 2020, dự kiến có 10 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành; 11 dự án đã khởi công, đang thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2022. Trong đó, nhiều dự án đã được khai thác, sử dụng hiệu quả như: Công viên Nhân Chính, cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, cầu vượt An Dương - Thanh Niên... Đặc biệt, trong năm 2020 hoàn thành một số công trình hạ tầng trọng điểm: Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, mở rộng đường Phạm Văn Đồng, vành đai III đi thấp qua hồ Linh Đàm, cơ bản khép kín tuyến vành đai III.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, đến nay thành phố đã hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khung của khu vực đô thị trung tâm, giúp giải quyết bức xúc dân sinh, giảm ùn tắc giao thông. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương duy nhất cả nước đã có các tuyến cao tốc kết nối từ mọi hướng: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Công tác vận tải hành khách công cộng được quan tâm đầu tư, mở rộng và nâng cao chất lượng. Hiện toàn mạng lưới xe buýt có 124 tuyến (năm 2015 có 91 tuyến), bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã; trong đó có 100 tuyến trợ giá. Hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn bằng đường sắt đô thị cũng từng bước được đầu tư theo quy hoạch; theo đó 2 tuyến đường sắt đô thị hướng tâm đang được triển khai là Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác trong thời gian tới.

Hà Nội cũng chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô. Đồng thời, tập trung phát triển các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Nhờ đó, tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới từ năm 2016 đến nay là 25,3 triệu mét vuông, đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra. Thành phố cũng quyết liệt chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, tạo những chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ công trình vi phạm giảm mạnh từ 13,5% (năm 2015) xuống còn 3,07% (năm 2019) và 9 tháng năm 2020 là 2,25%.

Song song đó, Hà Nội cũng quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, cải thiện môi trường hướng tới phát triển đô thị bền vững. Thành phố đã đầu tư hệ thống các trạm quan trắc chất lượng không khí, đánh giá ô nhiễm môi trường khu xử lý rác thải, nước thải, tiếng ồn; đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các khu vực ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm... Cụ thể, Hà Nội đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động, 1 xe quan trắc lưu động, kết quả được công khai trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Thành phố cũng đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường; phát triển hệ thống cây xanh; tập trung thực hiện ngầm hóa hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc kết hợp trồng cây xanh, chỉnh trang hè phố... Nhờ đó, bộ mặt đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.

Hướng đến đô thị thông minh, bền vững

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, từ kết quả đạt được trong hơn 4 năm thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, Ban Chỉ đạo Chương trình rút ra 5 bài học kinh nghiệm.

Một là bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo và vận dụng sáng tạo có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào tình hình thực tiễn trên địa bàn Thủ đô; tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương.

Hai là cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm Chương trình của Thành ủy, Kế hoạch thực hiện Chương trình của UBND thành phố, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Ba là coi trọng công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức cũng như nâng cao ý thức về nếp sống văn minh đô thị trong nhân dân.

Bốn là bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình đề ra, cụ thể hóa bằng các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyên ngành có tính khả thi và thực tiễn cao; đồng thời quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức triển khai.

Năm là quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết từng giai đoạn để rút kinh nghiệm; xử lý linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những vấn đề phát sinh.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tổng quát là “Đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững. Tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông khung và nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực về đất đai, cải thiện chất lượng môi trường. Bảo đảm trật tự và an toàn giao thông, tăng cường kỷ cương và trật tự văn minh đô thị”. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đã đề ra một số chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là: Tỷ lệ đô thị hóa 60-62%; tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng đạt 30-35%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt 55-60%; nước thải các cụm công nghiệp được xử lý đạt 100%...

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Ban Chỉ đạo Chương trình xác định những nhiệm vụ chủ yếu sau: Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, hoàn thành phê duyệt các quy hoạch đô thị; xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, cải tạo các khu chung cư cũ, thực hiện xây dựng và phát triển các khu đô thị mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, chú trọng đầu tư các ga trung tâm đa chức năng kết nối hệ thống giao thông công cộng; hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm; tập trung đầu tư các công trình giao thông khung, bến xe, bãi đỗ xe ngầm...; đồng thời, tiếp tục nâng cao công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thiện hệ thống các trạm quan trắc, đánh giá, kiểm soát ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng dự báo...

Ngoài ra, thành phố đang tập trung chỉ đạo hoàn thành 3 chỉ tiêu trong năm 2020 gồm: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; diện tích đất dành cho giao thông; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/980146/tao-lap-mot-do-thi-khong-ngung-doi-moi-hien-dai