Tạo khung pháp lý nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp quốc phòng, an ninh

Đây là đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại dự thảo Nghị định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thay thế Nghị định số 93/2015/NĐ-CP.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua tổng hợp tình hình thực hiện Nghị định số 93/2015/NĐ-CP về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng an ninh (QPAN) cho thấy vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Do vậy, việc rà soát, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 93/2015/NĐ-CP là cần thiết nhằm khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn triển khai. Đồng thời, giúp tạo khung pháp lý nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp QPAN, góp phần nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của nhà nước đối với các doanh nghiệp QPAN.

Đề xuất bổ sung nhiều nội dung mới

So với nội dung Nghị định số 93/2015/NĐ-CP, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp QPAN có một số nội dung mới như sau:

Về đối tượng được xác định là doanh nghiệp QPAN: Dự thảo Nghị định bổ sung thêm đối tượng doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp QPAN bao gồm công ty TNHH MTV là công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã từng được công nhận, công nhận lại là doanh nghiệp QPAN theo các quy định của các giai đoạn trước.

Về cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp QPAN:Đối với doanh nghiệp, dự thảo Nghị định bổ sung làm rõ thêm các quy định về các loại chi phí doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ gồm: chi bảo đảm quân trang cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sỹ quan, công nhân công an; chi cho nhiệm vụ diễn tập, huấn luyện chiến đấu, huấn luyện dự bị động viên; các khoản chi cho công tác QPAN, công tác phục vụ quốc phòng, quan hệ quân dân. Trường hợp ngân sách nhà nước không đảm bảo đủ thì được hạch toán các khoản chi phí này vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với người lao động, dự thảo Nghị định quy định cụ thể hơn về chính sách nhà nước đối với người lao động tại doanh nghiệp QPAN. Cụ thể: “Nhà nước đảm bảo kinh phí trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu; thanh toán các khoản chi ra quân, xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành; trả lương cho số lượng người lao động tối thiểu cần phải duy trì để doanh nghiệp vận hành các dây chuyền sản xuất QPAN trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí”.

Về Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp QPAN: Để có cơ chế cho các doanh nghiệp QPAN có quy mô lớn, tiềm năng đầu tư phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và nghiên cứu, sáng chế được áp dụng các cơ chế, chính sách riêng để thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo cơ hội đổi mới và phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh của quốc gia, dự thảo Nghị định bổ sung quy định cụ thể về việc trích lập và sử dụng Quỹ đầu tư phát triển đối với các doanh nghiệp có mức vốn chủ sở hữu trên 1.800 tỷ đồng.

Theo đó, Điều 7 dự thảo Nghị định quy định: Ngoài việc thực hiện phân phối lợi nhuận theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp QPAN quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định này có mức vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất trên 1.800 tỷ đồng thực hiện trích tối đa 50% lợi nhuận còn lại vào quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Lan Phương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/tao-khung-phap-ly-nham-nang-cao-nang-luc-doanh-nghiep-quoc-phong-an-ninh/411653.vgp