Tạo không gian để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp

Theo các chuyên gia, việc ban hành chính sách mới phải tạo không gian để phát triển ngành cơ khí nông nghiệp thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Máy gặt đập trên cánh đồng tại Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Máy gặt đập trên cánh đồng tại Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Khung chính sách hạn hẹp trong nhiều năm đã khiến cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không thể phát triển chứ chưa nói đến phát triển đồng bộ.

Vì vậy, việc ban hành chính sách mới phải tạo không gian để phát triển ngành cơ khí nông nghiệp thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Đây là nhận định của của các đại biểu tại hội thảo góp ý cho dự thảo Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 23/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Kỹ sư Nguyễn Thể Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ cho rằng, khoa học công nghệ ngày nay đã trở thành lực lượng sản xuất quyết định trình độ năng lực của các ngành kinh tế và sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của cả nước, sản xuất nông sản, hàng hóa phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ của Đồng bằng sông Cửu Long vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều năm qua đầu tư khoa học công nghệ vào Đồng bằng sông Cửu Long trong lĩnh vực cơ giới hóa và chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ giới hóa nông nghiệp chủ yếu nghiên cứu sử dụng từ những máy móc thiết bị đã qua sử dụng.

Chế biến nông sản chưa phát triển, nông sản hàng hóa chủ yếu dạng thô là chính, tổn thất trong sản xuất và sau thu hoạch còn ở mức cao.
Từ thực tiễn trên các xưởng cơ khí nhỏ đã cải tạo, cải tiến các máy đã qua sử dụng, chủ động sản xuất các máy cho khâu làm đất và thu hoạch, đã xuất hiện các dây chuyền chế biến nông sản trong nước thay thế cho dây chuyền nhập khẩu và xuất khẩu cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường.
Nhiều nông dân đã chế được các máy cơ khí phục vụ sản xuất nông hộ nhưng hoạt động sản xuất máy cơ khí nông nghiệp còn thiếu tổ chức liên kết các lực lượng khoa học công nghệ ở quy mô của vùng và giữa vùng với các trung tâm cơ khí nên hiệu quả không cao và không đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Thể Hà, cần đẩy mạnh liên kết phát triển cơ khí giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương trong chuỗi giá trị sản xuất nông sản hàng hóa; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh với thế mạnh về nghiên cứu khoa học, thiết kế chế tạo, có đủ khả năng phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Ngược lại, các tỉnh trong khu vực lân cận đều có ngành nông nghiêp phát triển và nhu cầu ứng dụng máy móc vào cơ giới hóa rất cao, nói cách khác là thị trường cho máy nông nghiệp rất lớn.
“Để cơ giới hóa đồng bộ cần thúc đẩy sự liên kết giữa nơi sản xuất máy là các doanh nghiệp cơ khí, viện nghiên cứu với các vùng sản xuất. Do đó, việc sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về phát triển cơ khí là cần thiết để kích thích việc đầu tư vào lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp.”, ông Nguyễn Thể Hà nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Phan Hiếu Hiền, nguyên giảng viên trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phát triển lĩnh vực nào cũng cần hội tụ nhiều yếu tố như kỹ thuật, vốn, thị trường và chính sách là sợi dây kết nối và thúc đẩy các yếu tố trên. Về thị trường cho máy nông nghiệp, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn và đang phải nhập khẩu rất nhiều với giá thành cao.
Ngoài ra, Việt Nam có đội ngũ kỹ sư cơ khí, các nhà nghiên cứu ở trường, viện và cả những người nông dân cực kỳ sáng tạo, việc huy động vốn cho sản xuất cơ khí cũng có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau.
Hơn nữa, phải có chính sách rõ ràng, cụ thể của Nhà nước để huy động được các thành phần tham gia vào sản xuất và đưa vào ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp mới phát triển cơ giới hóa bền vững; tập trung vào nghiên cứu, chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực chứ không đơn thuần là hỗ trợ tiền để nông dân mua máy.
Theo phân tích của ông Nguyễn Hiếu Hiền, tất cả các quốc gia trên thế giới cơ giới hóa nông nghiệp thành công đều phải đầu tư cho chế tạo máy nông nghiệp nội địa, máy móc nhập khẩu chỉ hỗ trợ một phần nhỏ.

Trong khi đó, Việt Nam có đủ các nguồn lực thành phần nhưng thiếu cơ chế kết hợp giữa các kỹ sư chế tạo và các nhà nghiên cứu, thợ cơ khí để tạo ra các máy nông nghiệp có tính năng sử dụng thực tế cao.
Trong khi đó, Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích, Trưởng khoa Cơ khí công nghệ Trường đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, cái gốc để chính sách phát huy hiệu quả là phải tác động trực tiếp vào thu nhập của nông dân bởi nếu thu nhập của nông dân thấp thì tích lũy thấp, nhu cầu cơ giới hóa thấp dẫn tới năng suất và thu nhập thấp.
Khi nhu cầu cơ giới hóa thấp thì mức độ cung ứng cơ giới hóa thấp, chi phí đầu tư và hoạt động cơ giới hóa sẽ cao, lại khiến nhu cầu cơ giới hóa thấp. Đó là cái vòng luẩn quẩn cần phải tránh.

Nhưng khi nông dân có thu nhập cao thì vòng quay trong chuỗi đầu tư đem lại các giá trị ngược lại. Ở trong nước, cơ giới hóa muốn phát triển thì trước hết phải có một chính sách đúng và tác động được vào thu nhập của người dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị định lần này phải khác các chính sách đã có, như Quyết định 68/2013/QĐ-TTg năm 2013 về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Thực tế là Quyết định 68 đã không giúp được nhiều cho việc thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp. Nhiều nông dân cũng khó tiếp cận để mua, thay đổi máy cơ khí.
Theo ông Trần Thanh Nam, trước hết là đối tượng, phạm vi áp dụng của Nghị định mới về cơ giới hóa nông nghiệp phải mở rộng ra nhiều chủ thể, cho nhiều thành phần tham gia như người sản xuất, người cung cấp dịch vụ và người sản xuất thiết bị cơ giới hóa.

Tinh thần của Nghị định là tổ chức lại sản xuất theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, theo chuỗi chứ không nên gây hiểu nhầm chỉ là hỗ trợ mua máy móc cơ giới.
Đặc biệt, lưu ý đến chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội hóa đủ tiềm lực làm trung tâm cơ giới và chuyển giao ở các vùng trọng điểm.
Cả nước có 16.000 hợp tác xã nhưng không phải hợp tác xã nào cũng có năng lực đủ mạnh để làm cơ giới hóa đồng bộ.

Dự thảo Nghị định cần xác định lại phạm vi, đối tượng, tiêu chí để tạo đà cơ giới hóa phát triển, lồng ghép các nội dung liên quan đến chế biến, bảo quản và công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp giá trị cao và bền vững./.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tao-khong-gian-de-co-gioi-hoa-dong-bo-trong-san-xuat-nong-nghiep/160552.html