Tạo kết nối đồng bộ giữa đô thị với nông thôn

Tại Quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 24/2/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là dấu mốc quan trọng để hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia có một quy hoạch tổng thể, định hướng chung trong phát triển. Đặc biệt, là phát triển bền vững đối với những TP có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội hiện nay.

Xây dựng mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tại Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: Duy Anh

Xây dựng mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tại Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: Duy Anh

Giải quyết bất cập từ quy hoạch

Một trong những mục tiêu đề ra của việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là từng bước xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng bền vững, liên kết chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn. Đây có thể nói là mục tiêu Hà Nội cũng đang hướng tới trong quá trình phát triển.

Nông thôn ngoại thành Hà Nội trong những năm gần đây đã có nhiều đổi mới từ diện mạo, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, bước đầu đã nâng cao được chất lượng sống cho người dân vùng ven đô… Với 92,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, khoảng cách đời sống giữa khu vực nông thôn và đô thị dần được thu hẹp… Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa khu vực ven đô Hà Nội cũng nảy sinh nhiều vấn đề nan giải, đó là ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải, suy giảm diện tích đất nông nghiệp vốn là nơi cung cấp rau xanh, lương thực thực phẩm cho người dân Hà Nội.

Cần kết hợp xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, quản lý dân số, lao động, an ninh lương thực, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đáp ứng không gian xanh cho cả đô thị. Lựa chọn mô hình quy hoạch ngoại thành không thể chỉ dựa vào đơn vị hành chính mà cần theo phân vùng chức năng sản xuất lâu dài, với nội dung đổi mới, tích hợp đa ngành xác định bước đi cho từng giai đoạn để đô thị Hà Nội không thể là chắp vá.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm

Cùng với đó, người nông dân mất đất sản xuất dẫn đến mất việc làm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế. Vùng sản xuất nông nghiệp còn lại bị chia cắt manh mún, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực phẩm bị ô nhiễm… Đặc biệt, vấn đề quy hoạch, xây dựng còn nhiều bất cập. Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường chia sẻ, theo Luật Xây dựng năm 2013, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc đối tượng được miễn phép xây dựng, trong khi trên địa bàn huyện đã cơ bản phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị, dẫn đến chính quyền cơ sở rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, từ mô hình cấu trúc đô thị đã xác định sự tồn tại của nông thôn ngoại thành, ven đô là cần thiết nhưng tồn tại phát triển như thế nào để có hiệu quả cần có định hướng từ rà lại quy hoạch cũ, xác lập nghiên cứu quy hoạch với yêu cầu thích hợp đa ngành, vừa ổn định sản xuất, củng cố nông thôn gắn với đô thị hóa của Hà Nội.

Cân bằng lợi ích

Hà Nội là một TP hội tụ đầy đủ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn. Hà Nội đã trở thành vùng đất trù phú và tiến hóa không ngừng, ngay cả trong giai đoạn kinh tế bao cấp thiếu thốn đủ bề, thiên tai địch họa khốc liệt… Hà Nội vẫn bảo đảm tự cung cấp lương thực thực phẩm và môi trường sống an toàn – cân bằng. Mô hình này đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và khuyến khích mở rộng.

Theo KTS Trần Huy Ánh, làm quy hoạch tốt là phải cân bằng đất và nước, có như vậy mới bảo đảm môi trường sinh thái phát triển để có được kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. "Do đó, bài toán quy hoạch phải được tích hợp đa ngành, đặt ra mục tiêu con người làm trọng tâm, cam kết của nhà quản lý là quan trọng, lợi ích của cộng đồng phải được tôn trọng. Phát triển bất động sản phải song hành với phát triển nông nghiệp sinh thái nhằm tuần hoàn rác thải và nước thải đô thị. Bản chất của phát triển xanh và bền vững là phải cân bằng được môi sinh, cân bằng về lợi ích, cân bằng giữa tự nhiên và phúc lợi xã hội” – KTS Trần Huy Ánh phân tích.

Tuy nhiên, thực tế việc đô thị hóa quá nhanh khu vực nông thôn ở Hà Nội thời gian qua đã kéo theo những hệ lụy. Vì thế, theo các chuyên gia, việc đầu tư phát triển nông nghiệp ven đô theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái trong quá trình đô thị hóa trong giai đoạn tới là một trong những trọng tâm, chiến lược phát triển TP cần xây dựng. Nếu nông nghiệp đô thị được quan tâm và có quy hoạch, có chiến lược phù hợp để tận dụng quỹ đất đô thị và sức lao động dôi dư sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm và thu nhập trong tiến trình đô thị hóa.

Nguyên Tổng thư ký - Hiệp hội các đô thị Việt Nam, PGS.TS Vũ Thị Vinh cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, cùng với quá trình đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn và xây dựng một chính sách cho chương trình sản xuất hàng hóa mới, giúp nền nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, nâng cao đời sống nông dân… "Vì đến một giai đoạn phát triển nào đó thì vùng nông thôn chính là một phần không thể thiếu của đô thị, là phần đệm xanh của đô thị. Khi tận dụng được những tài nguyên tại những vùng đệm đó để phục vụ chính nhu cầu của đô thị thì việc phát triển xanh mới hoàn toàn bền vững" - PGS.TS Vũ Thị Vinh nhìn nhận.

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tao-ket-noi-dong-bo-giua-do-thi-voi-nong-thon-386635.html