Tạo hứng khởi cho trò sáng tạo

Trong Chương trình GD phổ thông mới, thời lượng dành cho các hoạt động trải nghiệm lên tới 3 tiết/tuần/lớp. Trong một năm học, số tiết hoạt động trải nghiệm là 105 tiết/năm ở cả 3 cấp TH, THCS, THPT. Làm thế nào để các em phát huy tối đa năng lực khi tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cần sự linh hoạt, đổi mới từ mỗi nhà trường.

HS trải nghiệm làm nông nghiệp. Ảnh minh họa/INT

Mở rộng không gian ngoài lớp học

Giờ học Công nghệ của các em học sinh lớp 7A, Trường TH&THCS Cam Cọn (Bảo Yên – Lào Cai) không diễn ra trong lớp học mà ở vườn trường. Khu vườn này do các em HS bán trú thực hiện, được trồng những loại cây gần gũi như khoai lang, mướp, rau xanh… Bên cạnh việc hỗ trợ các tiết học trở nên sinh động, sáng tạo, khu vườn còn mang lại nguồn rau sạch cho chính các em. Giờ học ngoài trời mang đến cho HS những trải nghiệm bài học một cách thực tế ngoài SGK.

Cô Nguyễn Thị Thu Hương, GV dạy Công nghệ của nhà trường cho biết: Hoạt động trải nghiệm giúp HS hiểu sâu hơn, lĩnh hội nhanh hơn về kiến thức bài học. Đồng thời, trang bị cho các em thêm những kỹ năng thực tiễn, học sinh biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi trong gia đình.

Sau 2 năm thực hiện mô hình “Trường học - nông trại”, nhiều phụ huynh đã đến trường cho biết, họ mong muốn xây dựng mô hình này hiệu quả hơn nữa.

Thầy Đào Trọng Nguyên

Theo thầy Đào Trọng Nguyên - Hiệu trưởng nhà trường, các tiết học trải nghiệm luôn được nhà trường khuyến khích giáo viên bộ môn thực hiện trong mỗi tiết học. Đây là hình thức dạy học gắn lý thuyết trên lớp với thực tế cuộc sống.

Với bất kỳ hình thức trải nghiệm nào, điều quan trọng nhất vẫn là tạo ra sự đổi mới trong hoạt động giảng dạy, mang đến cho HS sự thích thú, sáng tạo. Vì thế, tùy theo đặc thù bài học cũng như đặc thù từng trường, tiết học trải nghiệm có thể xây dựng ngay trong lớp học hoặc mở rộng không gian ngoài lớp học.

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo chính là công tác mũi nhọn, được toàn thể đội ngũ sư phạm nhà trường tập trung thực hiện với đầy tâm huyết.

Học sinh các khối được học tập và trải nghiệm theo những chương trình được thiết kế riêng. Những hoạt động này sẽ mang đến trải nghiệm ý nghĩa nhất cho học sinh.

Theo cô Tâm, trước mỗi hoạt động, nhà trường luôn phải đi tiền trạm. Với mục đích không chỉ hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn cho HS mà còn xác định rằng điểm đến có các thiết chế đảm bảo việc GD. Sau mỗi chuyến trải nghiệm, HS bắt buộc phải có những sản phẩm: Sản phẩm cá nhân và sản phẩm lớp, để nâng cao trách nhiệm và kiểm tra nội dung kiến thức mà các em lĩnh hội được.

Giờ học công nghệ do cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương giảng dạy. Ảnh: TG

Giờ học công nghệ do cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương giảng dạy. Ảnh: TG

Vai trò quan trọng của người thầy

Trong Chương trình GD phổ thông mới, thời lượng dành cho các hoạt động trải nghiệm lên tới 3 tiết/tuần/lớp. Trong một năm học, số tiết hoạt động trải nghiệm là 105 tiết/ năm ở cả 3 cấp TH, THCS, THPT. Thời lượng này tương đương với số tiết của Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ở bậc THPT và chỉ đứng sau Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ ở bậc TH, THCS. Điều này cho thấy vai trò, giá trị của các hoạt động GD trải nghiệm tác động đến HS như thế nào.

Theo các chuyên gia giáo dục, hoạt động trải nghiệm không thể tách rời thực tiễn cuộc sống. Nội dung hoạt động được tiến hành theo chủ đề của từng bậc học khác nhau, đòi hỏi người tham gia phải tự giác, tích cực tham gia mới có hiệu quả.

Cô Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú (Thanh Hóa) cho rằng: Để xây dựng được những hoạt động trải nghiệm mang tính hiệu quả trong nhà trường, GV phải thực sự tâm huyết. Các em không thể tự tham gia các hoạt động mà hình thành các kỹ năng sống, rèn luyện nhân cách, kỹ năng được mà phải có sự định hướng của GV. Nếu không dung hòa được nhu cầu của người học và định hướng của hoạt động trải nghiệm sáng tạo, không đủ bản lĩnh và kiến thức để giải đáp những thắc mắc của HS thì không thể có hiệu quả như mong muốn.

“Nhà trường cần phải có cái nhìn linh hoạt, không gượng ép, theo từng tổ bộ môn, đặc thù từng trường, từng đối tượng HS. Có thể tận dụng chính những yếu tố nội tại của trường đưa vào trong tiết học hoặc sáng tạo trong cách tổ chức lớp học, xây dựng giờ học. Có thể triển khai theo hình thức CLB, sinh hoạt dưới cờ, chủ điểm…”, cô Hương cho biết.

Giáo dục không chỉ trong lớp học, mà còn trong hoạt động định hướng phát triển sáng tạo. Ở lớp học, GV đóng vai trò quan trọng nhất, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính vì vậy, trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hãy đặt vai trò người thầy sáng tạo lên trước hết. Họ là người tạo hứng khởi cho trò sáng tạo trong các hoạt động trải nghiệm thực tiễn.

Lê Đăng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/tao-hung-khoi-cho-tro-sang-tao-4045288-b.html