Tảo hôn và bạo lực tăng mạnh giữa mùa đại dịch

Hồi tháng 6, một bé gái 16 tuổi mạo muội gọi điện thoại cho người đứng đầu cơ quan hành chính huyện Tiruvannamalai, bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Ðộ, để tố cáo cha mẹ mình và một người đàn ông 39 tuổi trong làng về hành vi ép buộc cô phải lấy người này.

Một bé gái Ấn Độ chuẩn bị về nhà “chồng”. Ảnh: AP

Một bé gái Ấn Độ chuẩn bị về nhà “chồng”. Ảnh: AP

Người đàn ông đó đã hứa với cha mẹ cô rằng anh ta sẽ lo mọi chi phí lễ cưới và thậm chí không đòi hỏi của hồi môn. Chezhian Ramu, nhà hoạt động xã hội và nhân quyền ở huyện Tiruvannamalai, đánh giá lời hứa của người đàn ông đó là “hấp dẫn” khi cha mẹ cô bé đang thất nghiệp giữa mùa dịch COVID-19. Nhờ sự can thiệp của người đứng đầu cơ quan hành chính huyện, cô bé hiện được chăm sóc và bảo vệ của chính quyền bang.

Trên khắp Ấn Ðộ, các vụ tảo hôn gia tăng đột biến. Chỉ tính riêng huyện Tiruvannamalai trong tháng 6, số vụ tảo hôn tăng chóng mặt khi nơi đây xảy ra tới 40 vụ, mức cao nhất trong 1 tháng. Ở bang Maharashtra, Hội phát triển phụ nữ và trẻ em đã can thiệp vào khoảng 80 trường hợp các bé gái vị thành niên bị ép kết hôn trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6. Tại bang Telangana, giới chức địa phương đã can thiệp vào hơn 200 vụ tảo hôn trong vài tháng qua. Các gia đình lợi dụng việc phong tỏa để tiến hành nghi lễ có chi phí thấp, kín đáo, thay vì tổ chức tiệc cưới linh đình với nhiều khách mời.

“Những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Con số thực tế có thể gấp 10 lần bởi trẻ em bị hạn chế đi lại và giao tiếp. Các em không thể tâm sự với giáo viên hoặc bạn bè mình như trước” - nhà hoạt động Chezhian Ramu nhận định. Giải thích cho sự gia tăng đột biến các vụ tảo hôn, giới chức địa phương cho rằng ngoài COVID-19 và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, nghèo đói cũng là thủ phạm chính.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) hồi năm 2019 cho biết, cứ 3 cô dâu của nạn tảo hôn trên thế giới thì có 1 ở Ấn Ðộ. Theo ước tính, có đến 223 triệu cô dâu trẻ em tại quốc gia này, trong đó 102 triệu trường hợp kết hôn trước tuổi 15. Nay đại dịch COVID-19 khiến tình trạng này gia tăng đáng ngại hơn.

Tuy nhiên, không riêng gì ở quốc gia Nam Á đông dân thứ hai thế giới, nạn tảo hôn có thể bùng phát mạnh khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức Cứu trợ trẻ em và Plan International mới đây cảnh báo đại dịch COVID-19 có nguy cơ làm gia tăng vấn nạn bạo hành ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có thể tạo ra 13 triệu vụ tảo hôn trên toàn thế giới trong thập kỷ tới.

Trong năm qua, hơn 37% phụ nữ ở châu Á, 40% ở Ðông Nam Á và 68% ở khu vực Thái Bình Dương phải sống trong cảnh bạo lực tình dục hoặc thể xác do bạn đời gây ra. Tỷ lệ này gia tăng trong thời gian giãn cách xã hội tại nhiều nước. Tại Philippines, số vụ lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng tăng gấp 3 lần trong đại dịch. Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5, 279.166 vụ lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến được ghi nhận, so với con số chỉ 76.561 vụ trong cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các nước Bangladesh, Singapore và Malaysia. Liên Hiệp Quốc dự báo sẽ có thêm khoảng 15 triệu vụ bạo lực về giới nếu tình trạng phong tỏa vẫn tiếp diễn trên toàn cầu.

Trong khi đó, theo báo cáo của mạng lưới xã hội dân sự chống lạm dụng tình dục trẻ em ECPAT, nhiều gia đình người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ đã gả con gái cho những người đàn ông địa phương để kiếm tiền xoay xở cuộc sống khi dịch COVID-19 hoành hành nước này. Trong một số trường hợp, các gia đình bán con gái cho chủ nhà để lấy tiền thuê nhà. Các cô gái sau đó bị chủ nhà bắt lao động khổ sai hoặc làm nô lệ tình dục.

ECPAT cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có lượng trẻ em tị nạn cao nhất thế giới. Chúng có nguy cơ bị tảo hôn, bị bán và lạm dụng tình dục giữa mùa COVID-19, thời điểm mà việc bảo vệ các bé gái khỏi các hành vi xâm hại được xem là một thách thức khi các trường học phải đóng cửa do lệnh phong tỏa.

TRÍ VĂN (Theo Vice, Global Citizen)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tao-hon-va-bao-luc-tang-manh-giua-mua-dai-dich-a123668.html