Tạo hành lang pháp lý cần thiết để phát triển thư viện số

Chiều 23-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện.

Tờ trình nêu rõ: Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 2001 (sau đây gọi là Pháp lệnh) đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của sự nghiệp thư viện Việt Nam. Triển khai thi hành Pháp lệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện trên địa bàn tạo khuôn khổ pháp lý, khẳng định vị thế của thư viện, góp phần nâng cao dân trí và có nhiều tác động tích cực đối với việc ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Sau gần 18 năm triển khai Pháp lệnh, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận, mạng lưới thư viện công lập phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở.

Pháp lệnh đã tạo ra sự chuyển biến lớn về nhận thức và quản lý, phát triển thư viện. Từ chỗ chỉ là nơi giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu dùng chung, đến nay thư viện đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, không gian học tập sáng tạo của cộng đồng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền tảng văn hóa phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hơn 10 năm gần đây, các thư viện đã từng bước hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nhiều thư viện ở Việt Nam đã phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu do ngân sách đầu tư cho thư viện hạn hẹp. Đối mặt với nhiều khó khăn lớn, các thư viện đang thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động, chưa được quan tâm, tạo điều kiện để phát huy hết khả năng và sáng tạo trong công tác. Trước tình hình đó, việc nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, cải thiện đời sống của đội ngũ nhân lực thư viện, tạo sức hút của thư viện đối với người sử dụng là những vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay trong thời gian tới.

 Toàn cảnh phiên họp chiều 23-5. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp chiều 23-5. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới, sửa đổi, bổ sung so với Pháp lệnh, như mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng áp dụng: tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không chỉ tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức mà còn được phép tham gia thành lập thư viện và tổ chức hoạt động thư viện. Bên cạnh đó, thực hiện đa dạng hóa các loại hình thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa, dự thảo luật đã bổ sung nhóm thư viện ngoài công lập bao gồm: thư viện thuộc tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp ở địa phương, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, cơ sở tôn giáo, tổ chức kinh tế tư nhân, thư viện thuộc cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng, thư viện do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập (điểm b khoản 1 Điều 5) vào các loại thư viện Việt Nam, nhằm phát triển mạng lưới tại cơ sở, giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước, thu hút cộng đồng phát triển thư viện trở thành giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho thư viện cơ sở - đặc biệt là thư viện cấp xã.

Đáng chú ý, xác định là một xu thế phát triển tất yếu, với thư viện số, dự thảo luật đã xác định các yếu tố cấu thành, phương thức hoạt động, sản phẩm, dịch vụ của thư viện số (Điều 20) nhằm phát huy giá trị vốn tài liệu, tăng cường liên thông, kết nối góp phần hình thành hệ tri thức số quốc gia…

Nhất trí sự cần thiết xây dựng Luật Thư viện, đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho hay, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một số quy định mang tính cốt lõi, tạo hành lang pháp lý cần thiết để phát triển thư viện số.

Để xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên dùng chung giữa các thư viện, nhất là các thư viện có ngân sách đầu tư còn hạn chế, tạo điều kiện cho người dùng được tiếp cận với tài liệu số, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về quyền của các thư viện được tạo bản sao, số hóa và phổ biến tài liệu của thư viện phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan.

Ngoài ra, dự thảo Luật cần có các quy định để thúc đẩy phát triển của thư viện số, như: vấn đề bản quyền, mua nguồn tin số và chia sẻ nguồn tin số giữa các thư viện công lập, sự tham gia và quyền lợi của các thư viện ngoài công lập; sự phân công, phối hợp giữa các thư viện, cơ quan thông tin khoa học và công nghệ, vai trò và trách nhiệm của các thư viện trung tâm trong hình thành nguồn tài nguyên số quốc gia; nghiên cứu - đào tạo - đầu tư cho nguồn nhân lực thư viện số, đầu tư tài chính và phát triển các dự án thư viện số dùng chung để tiết kiệm ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc nghiên cứu - đào tạo thư viện số của các đơn vị đào tạo,….

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/tao-hanh-lang-phap-ly-can-thiet-de-phat-trien-thu-vien-so-574840