Tạo dựng ý tưởng khởi nghiệp cho các em ngay từ trong môn học

Trong thời kỳ công nghệ phát triển, các thầy cô giáo không chỉ giảng dạy những bài học đơn thuần mà còn lồng ghép vào đó nhiều cơ hội khởi nghiệp cho học sinh

Vượt qua khó khăn từ lòng yêu nghề

Trong chương trình hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0" do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tại trường Trung học phổ thông Tử Đà (Phù Ninh, Phú Thọ), chúng tôi có dịp trò chuyện với cô giáo Đỗ Thị Kim Dung, Phó hiệu trưởng nhà trường về công tác dạy và học trong nhà trường hiện nay.

Cô giáo Đỗ Thị Kim Dung là một trong những người đầu tiên về công tác và giảng dạy tại trường Trung học phổ thông Tử Đà ngay từ những năm đầu trường mới thành lập (năm 1988).

Gần 30 năm giảng dạy tại trường Tử Đà, cô giáo Dung cho rằng động lực để cô gắn bó với mái trường này chính là lòng yêu nghề dạy học và yêu môn học mình giảng dạy.

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến Tử Đà, cô Dung cho biết: “Mình sinh ra và lớn lên trong thành phố Việt Trì, từ nhỏ đến lớn chỉ biết đi học, đến năm 1990 thì được phân về trường Tử Đà công tác.

Cảm giác đầu tiên đến với ngôi trường này lúc đó mình rất sốc. Bởi lúc đó, tiếng là trường cấp 3 nhưng trường Tử Đà lúc đó chỉ là những mái nhà lụp xụp nằm lọt thỏm giữa dải đất bát ngát sắn mì.

Phòng học của trường lúc đó là những dãy nhà nhỏ được làm bằng “vách tường tốc xi”, vẫn còn những lớp học còn tranh tre, nứa lá…

Cô giáo Đỗ Thị Kim Dung, Hiệu phó trường trung học phổ thông Tử Đà (Phù Ninh, Phú Thọ) (Ảnh: LC)

Cô giáo Đỗ Thị Kim Dung, Hiệu phó trường trung học phổ thông Tử Đà (Phù Ninh, Phú Thọ) (Ảnh: LC)

Trường học lúc đó thậm chí còn chưa có tường rào vây quanh, lớp học thì nhỏ xíu, bàn ghế thì thiếu thốn vô cùng”.

Cũng theo lời cô giáo Dung, điều kiện giảng dạy lúc đó vô cùng khó khăn, ngay cả nhân dân cũng còn trong nghèo khó, khổ cực chứ chưa nói đến những điều kiện để giảng dạy học tập.

“Vượt qua những khó khăn vật chất, người giáo viên lúc đó như chúng tôi phải kiên trì bám lấy bục giảng, bám lấy lớp học để đảm bảo kiến thức cho các em.

Tài liệu phục vụ giảng dạy cho 10 tiết lên lớp liên tục lúc đó quá khó khăn nhưng tất cả bằng lòng yêu nghề, thế hệ chúng tôi đã vượt qua cảm giác rất nhẹ nhàng”, cô Dung cho biết.

“Bản thân tôi năm thứ 3 tại trường Tử Đà đã dạy đổi tuyển học sinh giỏi Sinh học, sau năm đầu tiên không thành công, đến năm sau đã có 2 học sinh được giải nhì”, cô Dung hào hứng kể lại câu chuyện của mình trong những ngày đầu làm nghề.

Để vượt qua những khó khăn ban đầu cô Dung cho biết tất cả xuất phát từ việc mình yêu nghề, yêu bộ môn mình giảng dạy.

Trải qua gần 30 năm công tác, dù đã làm công việc quản lý nhưng chưa khi nào cô giáo Đỗ Thị Kim Dung phai nhạt đi niềm say mê nghề, say mê môn sinh học.

Với những cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, cô giáo Đỗ Thị Kim Dung đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì sự nghiệp giáo dục.

Định hướng khởi nghiệp từ những bài học thực tế

Nói về đặc thù công việc giảng dạy môn sinh học và cơ hội khởi nghiệp cho các em học sinh trung học phổ thông trong thời kỳ công nghệ 4.0 cô Đỗ Thị Kim Dung cho biết:

“Không riêng gì môn Sinh học, các môn học khác cũng đều phải chú ý đến phương pháp giảng dạy. Ngày nay, kể cả phương pháp giảng dạy ngày này cũng đã khác nhiều so với ngày trước nhưng dù phương pháp hiện đại hay phương pháp dạy học truyền thống trước kia cũng đều phải truyền thụ được cho học sinh sự nhiệt tình, hứng thú với môn học.

Đặc thù môn Sinh học là phần lý thuyết luôn song song với phần thực hành thế thì trong khuôn khổ chương trình chúng tôi cũng cố gắng hướng các em học sinh thực hành theo nhiều hình thức khác nhau.

Những gì có thể thực hiện được ở trường chúng tôi cho các em thực hiện ở trường còn lại những phần nào có thể thực hành được ở nhà chúng tôi cho các em thực hành ở nhà. Việt thực hành ở nhà các em sẽ có điều kiện gắn liền giữa bài học và thực tiễn.

Việc kiểm chứng thành quả sẽ dựa trên chính sản phẩm thực tế của các em”.

“Trong thời kỳ công nghệ phát triển, nhà trường, tổ bộ môn cũng đã hướng đến việc giới thiệu các em tiếp cận tới những kiến thức sinh học mới theo những địa chỉ chúng tôi giới thiệu.

“Đặc điểm với sinh học hiện nay thì trong điều kiện nền cách mạng công nghiệp 4.0, các thành tựu quá lớn lao của ngành công nghệ sinh học đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức với cả cô và trò”, cô Dung cho biết thêm.

Học sinh trường Tử Đà nghe nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng nói chuyện trong buổi hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0"(Ảnh: LC)

“Việc học trong điều kiện rất mở như hiện nay sẽ giúp các em tiếp cận được với những kiến thức mới nhất của thế giới.

Cùng với đó, bản thân người dạy cũng phải liên tục cập nhập những kiến thức mới, những thành tựu mới để làm phong phú thêm bài giảng, kiến thức về nghề. Đặc thù với môn sinh học người thầy rất dễ lạc hậu so với chính học sinh của mình nếu không tự nâng cấp, làm mới mình.

Tại trường Tử Đà, đặc thù là vùng nông thôn nông nghiệp nên những ví dụ về thành tựu của nền nông nghiệp Israel được các em rất hứng thú.

Vấn đề chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp chất lượng cao hiện nay đang mở ra rất nhiều cơ hội khởi nghiệp mới cho các em học sinh vùng nông thôn.

Ngay cả khi khu công nghiệp Tử Đà mới xuất hiện tại địa phương chúng tôi, những giáo viên sinh học, cũng đã gợi mở nhiều hướng khởi nghiệp cho các em yêu thích môn sinh học.

Việc khu công nghiệp mở ra cũng được xác định là cơ hội và thách thức cho các em khi cơ cấu lao động chuyển dịch, đất nông nghiệp cũng được chuyển đổi, do đó cơ hội cho các em đón đầu những khoa học công nghệ mới để mở ra cơ hội phát triển cho ngành nông nghiệp chất lượng cao.

Những bài học gắn liền với thực tiễn cuộc sống ấy được đưa vào giảng dạy cũng đã giúp các em hào hứng hơn rất nhiều so với những bài học nặng về lý thuyết khô cứng”, cô Dung nói về cơ hội học tập, khởi nghiệp của các em học sinh yêu thích môn Sinh học trong thời kỳ công nghệ số.

Trần Phương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tao-dung-y-tuong-khoi-nghiep-cho-cac-em-ngay-tu-trong-mon-hoc-post197288.gd