Tạo dựng 'phên giậu' trên biển Bình Thuận

Bằng những nỗ lực không ngừng trong công cuộc xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân và trải qua hàng chục năm bám biển, bám địa bàn thực hiện '3 cùng' với dân, BĐBP Bình Thuận đã tạo dựng được 'phên giậu' vững chắc trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Tấn Nguyên trao đổi tình hình trật tự trên biển với cán bộ Đồn Biên phòng Phước Lộc. Ảnh: Đăng Bảy

Những “đôi mắt biển”

Đang là cao điểm của mùa biển nên ra Bình Thuận dịp này, tôi rất khó để tìm gặp các chủ tàu; phải nhờ mấy anh em ở Đồn Biên phòng Phước Lộc “truy” qua điện thoại, kết hợp “gõ” từng nhà, “rà” từng xóm, một số chủ tàu mới chịu cho gặp. Gặp nhau, chưa kịp chào hỏi, ông Nguyễn Tấn Nguyên (Sáu Nguyên), ở phường Bình Tân, thị xã La Gi đã than: “Sáng giờ công việc ngập đầu, biết điện thoại reng hoài trong túi mà không có thời gian để nghe”.

Nhà ông Sáu Nguyên có cặp tàu giã cào (công suất 500CV/chiếc) và 1 tàu mành chụp (công suất 823CV) đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ngư trường quen thuộc là vùng biển Trường Sa. Tuy chưa phải là doanh nghiệp hàng đầu của thị xã La Gi, nhưng với 3 tàu công suất lớn, gia đình ông đã tạo được việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập khoảng 80 triệu đồng/người/năm. Vốn là người xởi lởi, ông Sáu Nguyên kể, nhà ông có 4 con trai, 2 cậu đã tốt nghiệp đại học, đang công tác “trên bờ”. 2 cậu tốt nghiệp cao đẳng, quyết nối nghiệp bố, đang là thuyền trưởng của 2 trong 3 tàu của gia đình.

Trao đổi về vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trên biển, ông Sáu Nguyên khẳng định, làm nghề đánh bắt xa bờ nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ tàu của gia đình vi phạm các quy định pháp luật. Ông nói một lèo: “Tui có 3 năm bộ đội (1977-1980), có chút hiểu biết pháp luật nên phải làm gương chứ. Đã thế, cán bộ đồn Biên phòng thường xuyên gặp gỡ, nhắc nhở, yêu cầu các chủ tàu ký cam kết trước mỗi chuyến đi biển, sao dám vi phạm. Mới chuyến trước, đứa con tui làm thuyền trưởng, thấy tàu cá Trung Quốc lượn lờ ngoài vùng biển Trường Sa, nó điện về hỏi tính sao. Tui nói biển của ta, cứ đánh bắt bình thường, không việc gì phải sợ”. Nói rồi ông lấy cho chúng tôi xem một số tờ rơi, tờ gấp, tờ hướng dẫn, sổ tay do Đồn Biên phòng Phước Lộc cấp, được bọc cẩn thận trong một cái bìa nhựa cứng. Ông nói, làm như vậy, có mang theo ra biển cũng không ướt, không bị nhòe. Không chỉ thuyền trưởng mà các bạn thuyền cũng phải đọc. Đọc để biết mà phòng tránh, để mà phát hiện sai phạm của các tàu nước ngoài, báo cho cán bộ đồn Biên phòng biết...

Đã quá 11 giờ trưa, trời nắng như đổ lửa, nhưng chúng tôi vẫn tìm ra tận bến đỗ để tìm gặp ông Bạch Lòng (Chín Lòng). Một trong 5 chiếc tàu của gia đình vừa cập bến với hơn 40 tấn cá cơm nên ông nói thông cảm, vừa nói chuyện vừa tranh thủ điều hành công việc. Ông bảo, năm nay trời thương, mùa cá cơm kéo dài nhiều tháng, cứ xuất bến vài ngày là được 30-40 tấn. Cá rẻ (6.000 đồng/kg) nhưng trúng đậm nên cũng đỡ. Qua nói chuyện, mới biết ông Chín Lòng trước kia (1978-1982) cũng là lính Biên phòng Bình Thuận. Sinh ra và lớn lên từ biển nên khi hết thời gian tại ngũ là ông quyết lập nghiệp bằng nghề đi biển. Từ 2 bàn tay trắng, đến nay, ông đã có 5 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, tổng trị giá 40-50 tỷ đồng. Nhân công làm việc cho gia đình ông (khoảng 50 người), có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm, nên ai cũng yên tâm gắn bó. Ông nói: “Ngày xưa đi bộ đội, mình vận động nhân dân không vi phạm chủ quyền vùng biển. Bây giờ là chủ thuyền, mình càng phải gương mẫu chấp hành. Biển của mình tôm, cá vẫn còn nhiều, vẫn đủ nuôi ngư dân, không việc gì phải thập thò đi đánh bắt trộm ở vùng biển nước ngoài”. Ông kể, ở Bình Thuận đã từng xảy ra mấy vụ rồi. Chiếc tàu là cả gia tài, trị giá 5-7 tỷ đồng, chạy qua vùng biển nước ngoài, bị bắt, bị tiêu hủy tàu, bị phạt tiền thì lấy gì làm ăn. Đang từ ông chủ bỗng chốc trở thành con nợ, không cái khổ nào bằng. Ông Chín Lòng khẳng định, 5 chiếc tàu của gia đình ông luôn chấp hành nghiêm quy định khi hoạt động trên vùng biển.

“Phên giậu” giữ biển, đảo

Chúng tôi tới Trạm Kiểm soát Biên phòng La Gi, Đồn Biên phòng Phước Lộc cùng lúc 4 thuyền trưởng (Võ Phước Lanh, Võ Phước Thịnh, Huỳnh Văn Lắm và Huỳnh Văn Giang) từ xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cũng vừa đến để làm thủ tục trình báo. Anh Võ Phước Lanh nói: “Trước khi đi, chúng tôi đã trình báo với BĐBP Kiên Giang. Đến lưu trú, đánh bắt tại vùng biển tỉnh nào phải trình báo với BĐBP tỉnh đó. Giống như khai báo tạm vắng, tạm trú vậy, để BĐBP dễ quản lý”. Đại úy Võ Văn Thành, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng La Gi cho biết, thường xuyên có 60 chiếc tàu đánh bắt xa bờ và hàng trăm tàu thuyền của các tỉnh khác ra vào neo đậu ở cửa biển này. Không chỉ làm các thủ tục quản lý, đơn vị còn phải tổ chức giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho thủy thủ số tàu thuyền này để họ chấp hành nghiêm quy chế vùng biển, các quy định về đánh bắt, khai thác.

Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Lộc, toàn tỉnh Bình Thuận có 7.411 tàu, thuyền (có 1.289 chiếc khai thác xa bờ), thì có gần 1/3 tập trung neo đậu, vào ra cảng biển La Gi. Đơn vị phải rất vất vả mới giữ vững được an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ làm tốt công tác quản lý kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật nên lượng tàu cá ở La Gi vi phạm vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, từ 5-7 chiếc những năm trước kia, nay chỉ còn 1-2 chiếc/năm.

Có dịp đi dọc theo chiều dài gần 200km bờ biển, qua nhiều cửa sông, cửa lạch của Bình Thuận mới biết, không chỉ ông Sáu Nguyên, ông Chín Lòng mà rất nhiều chủ phương tiện, khi tiếp chuyện với chúng tôi đều khẳng định luôn chấp hành nghiêm các quy định về khai thác hải sản trên biển, không vi phạm pháp luật, không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Không những thế, họ còn là “tai, mắt”... luôn báo cho BĐBP những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trên biển.

Đại tá Đinh Văn Sáu, Chính ủy BĐBP Bình Thuận cho biết, cùng với việc xây dựng thế trận lòng dân trên bờ, những năm qua, các đồn, đơn vị Biên phòng trong tỉnh đã xây dựng 126 tổ “Tự quản an ninh trật tự” và 225 tổ “Thuyền đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển” với hàng ngàn ngư dân tham gia. Không chỉ đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau khi đánh bắt hải sản, các tổ này còn kịp thời thông tin cho BĐBP các diễn biến trên biển, nhất là những vẫn đề liên quan đến an ninh, chủ quyền vùng biển.

Tại hội nghị sơ kết 10 năm “Ngày Biên phòng toàn dân”, tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá cao vai trò của ngư dân, của các tổ tàu thuyền trong hỗ trợ BĐBP và các ngành chức năng giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết, từ tin báo của quần chúng giúp cho BĐBP Bình Thuận bắt, xử lý 27 vụ/49 tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển; 4 vụ/124 người xuất cảnh trái phép bằng đường biển; phát hiện, ngăn chặn 94 tàu cá/866 ngư dân ta xâm phạm vùng biển nước ngoài, bắt xử lý 614 vụ/1.405 đối tượng phạm tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; bắt 12 vụ/20 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, thu giữ 9.374 tấn xăng, 4.123 bao thuốc lá, 95kg ngà voi...

Nhờ có “phên giậu” vững chắc đó nên an ninh, trật tự trị an trên vùng biển, đảo Bình Thuận luôn ổn định, số tàu thuyền vi phạm, nhất là xâm phạm vùng biển nước ngoài ngày càng giảm. Ngư dân ngày càng yên tâm gắn bó với biển, đảo quê hương.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tao-dung-phen-giau-tren-bien-binh-thuan/