Tạo dựng con chữ giữa trùng khơi

Trường THPT Cô Tô (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) được thành lập từ năm 2006, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên đảo. Không còn phải gửi con vượt biển vào đất liền để học THPT, vui mừng khi thấy các thầy cô giáo nỗ lực đem lại hạnh phúc cho học sinh. Đây là những cảm xúc dạt dào của người dân đảo Cô Tô mỗi khi nói về trường.

Hoạt động ngoại khóa của GV và học sinh.

Từ những ngày gian khó

Còn nhớ ngày đó, phải thành lập một trường THPT cho con em nhân dân Cô Tô là quyết tâm lớn của Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Sửu. Nhiều người giờ vẫn nhắc đến bác Sửu chúa đảo ngày đó với đầy trìu mến. Đảo được thành lập năm 1994, năm 2006 có trường, cơ sở vật chất thiếu thốn phải sử dụng chung với Trường THCS thị trấn Cô Tô. Đến năm học 2011 - 2012, trường mới được xây dựng. Cho dù chưa khang trang hiện đại nhưng đã đáp ứng tốt hơn điều kiện dạy - học cho giáo viên và học sinh.

Thầy giáo Trần Thế Vinh tâm sự: Ngày mới thành lập khó khăn vô vàn, điện lưới chưa có, giữa trùng khơi, thầy trò đều nỗ lực hết sức trong dạy - học. Năm học 2018 - 2019 đảo có điện, nhờ đó trường phát triển lên nhiều. Hiện, đội ngũ CB, GV, NV của trường là 26 biên chế, chia thành 3 tổ và 210 học sinh chia thành 9 lớp.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nhà trường có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng vượt lên tất cả, tập thể giáo viên chúng tôi đều hiểu trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ chính của người thầy là dạy thật tốt. Và thật hạnh phúc là những nỗ lực của chúng tôi cũng được các em học sinh đáp ứng bằng việc các em cũng nỗ lực học tốt.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn khách quan khác cần khắc phục. Đóng trên địa bàn huyện Cô Tô, cách xa đất liền, đi lại khó khăn, hạn chế được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các trường bạn. Trình độ dân trí không đồng đều, một số bộ phận phụ huynh học sinh chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con em mình, còn phó mặc cho nhà trường.

Chất lượng đầu vào của học sinh lớp 10 thấp, số lượng học sinh ít. Thêm vào đó, học sinh của trường cư trú ở 2 xã và 1 thị trấn khác, trong đó có 2 xã thuộc xã đặc biệt khó khăn ở cách rất xa trường. Kinh tế thị trường với những mặt trái tác động đến học sinh, việc ham làm kinh tế hơn học là cản trở không nhỏ đối công tác giáo dục của nhà trường.

 Học sinh tham gia làm vệ sinh đường bao biển

Học sinh tham gia làm vệ sinh đường bao biển

Chung tay xây trường học hạnh phúc

Thầy Vinh cho biết: Đáp ứng nhu cầu dạy học, biên chế giáo viên, lao động của trường được bố trí đủ giúp giảm áp lực công việc đối với giáo viên trực tiếp làm công tác giảng dạy. Đội ngũ giáo viên của trường được trẻ hóa (3/4 GV dưới 35 tuổi), có sức bật tốt trong chuyên môn, đam mê học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy và hầu hết các cán bộ, GV đều tâm huyết và có trách nhiệm với nghề. Các thầy cô giáo đang nỗ lực tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục khác theo đúng như mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT quy định.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hải Phòng cho biết thêm: Chúng tôi đang đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy và học. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá. Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về năng lực chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; năng lực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo toàn bộ giáo viên, nhân viên đăng ký đề tài, sáng kiến kinh nghiệm “Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện học sinh”; “Giải pháp giảng dạy chuyên đề”; “Giải pháp đổi mới công tác chủ nhiệm lớp”...

Những sáng kiến này không chỉ là động lực để thúc đẩy, động viên các thầy cô giáo thực hiện tốt chức trách người thầy của mình mà còn là niềm tin để học sinh nhìn vào đó gắng sức thực hiện nhiệm vụ bản thân, hướng tới học tập chăm ngoan. Quan điểm của chúng tôi là học sinh đến trường phải được an toàn, trường học phải là điểm đến thân thiện, ở đây các em học sinh được tôn trọng, khuyến khích sự sáng tạo. Cả thầy và trò đều cảm nhận được hạnh phúc trong một mái nhà chung đó là Trường THPT Cô Tô.

Hà An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tao-dung-con-chu-giua-trung-khoi-4063591-b.html