Tạo đột phá trong truy cứu nguồn gốc sản phẩm

Làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) với những công nghệ như Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (Al) và Blockchain sẽ làm thay đổi cuộc sống con người trên toàn thế giới. Đối với ngành Công Thương, việc ứng dụng Blockchain sẽ tạo bước đột phá trong khâu truy nguồn gốc xuất xứ sản phẩm… góp phần lành mạnh hóa thị trường cũng như nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm.

Theo đánh giá của CụcThương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và báo cáo về Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, trong 5 năm trở lại đây, TP Hà Nội liên tục là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về thương mại điện tử (TMĐT); doanh thu năm 2018 ước đạt 38.507 tỷ đồng chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (tăng 1% so với năm 2017).

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Từ năm 2017, thị trường TMĐT Việt Nam nói chung, TMĐT trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng đã có sự chuyển mình rõ rệt. Đặc biệt, trong làn sóng CMCN 4.0, Blockchain được xem là một công nghệ “chìa khóa” cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai. Thông qua ứng dụng Blockchain, người tiêu dùng sẽ được cung cấp các thông tin cần thiết trong suốt quá trình từ sản xuất tới tiêu dùng, góp phần tăng cường niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng và độ an toàn của sản phẩm; tránh bị làm giả mạo thương hiệu.

Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước minh bạch thông tin của các chủ thể trong chuỗi. Cũng nhờ tính minh bạch này, nên công nghệ Blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại gian lận thực phẩm; giúp việc vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc được thuận lợi và chuẩn hóa thông tin.

Công nghệ Blockchain được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: Truy xuất nguồn gốc, tài chính ngân hàng, bán lẻ… Ảnh: V.T

Như vậy có thể thấy, công nghệ Blockchain có tiềm năng phát triển rất lớn, có thể đảm bảo vấn đề an ninh mạng cao và giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, trong khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng đang là xu hướng đòi hỏi tất yếu của người tiêu dùng, cũng như các thị trường xuất nhập khẩu hiện nay

Trong thời gian qua, ngành Công Thương là một trong những ngành đón đầu làn sóng công nghệ trong giao dịch thương mại, trong đó, Blockchain – một trong những nền tảng sẽ làm thay đổi rất nhiều định chế cũ về công nghệ thông tin, TMĐT, xuất nhập khẩu… Tiềm năng là vậy, song hiện trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn không ít doanh nghiệp vẫn chưa biết đến Blockchain.

Blockchain là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền mặt được giám sát chặt chẽ. Trong trường hợp này Blockchain là một cuốn sổ cái kế toán hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Trên góc độ business có thể gọi là một sổ cái kế toán, hay một cơ sở dữ liệu chứa đựng tài sản, hay một cấu trúc dữ liệu, mà dùng để ghi chép lại lịch sử tài sản giữa các thành viên trong hệ thống mạng ngang hàng.Trên góc độ kỹ thuật đó là một phương thức bất biến để lưu trữ lịch sử các giao dịch tài sản. Trên góc độ xã hội đó là một hiện tượng, mà dùng để thiết lập niềm tin bằng quy tắc đồng thuận giữa các thành viên trong một hệ thống phân cấp.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề trên Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, chú trọng xây dựng nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp, du lịch, đô thị thông minh…

Bên cạnh đó, Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức diễn đàn “Vietnam Blockchain Summit 2018” với chủ đề “Từ công nghệ tới chính sách” vào tháng 6/2018; diễn đàn nhằm chia sẻ thông tin và thảo luận chính sách, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng Blockchain trong chiến lược phát triển nền kinh tế số.

Để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ Blockchain tại Hà Nội, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về TMĐT nhằm phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ảnh hưởng của Blockchain để ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chú trọng các chủ đề về ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực như: Bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, kinh doanh; ứng dụng vào truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm…

Phối hợp mời các chuyên gia trong và ngoài nước để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain tại doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về lợi ích, tiềm năng của công nghệ Blockchain, giúp doanh nghiệp cập nhật kịp thời các tin tức, tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế…

Có thể thấy, với những tính năng ưu việt của Blockchain, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp và tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đi theo xu hướng tạo dựng riêng một mạng lưới Blockchain để phục vụ việc giao dịch, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tại với thị trường Việt Nam thì xu hướng này dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Vì thế, với những chính sách ưu tiên phát triển công nghệ thông tin như một ngành mũi nhọn của Nhà nước và tiềm năng công nghệ sẵn có, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi công nghệ Blockchain có nhiều điều kiện tốt để phát triển.

Thuận lợi là vậy, song việc ứng dụng này cũng có hai mặt. Mấu chốt là các cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp yên tâm hơn khi sử dụng loại hình này…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - Trần Thị Phương Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tao-dot-pha-trong-truy-cuu-nguon-goc-san-pham-86398.html