Tạo đột phá trong công tác tham mưu hậu cần toàn quân

Với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, những năm qua, ngành tham mưu hậu cần (TMHC) đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nắm chắc tình hình mọi mặt, tham mưu đúng, trúng, giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp triển khai toàn diện các mặt công tác, bảo đảm kịp thời hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ, các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Nhìn lại năm 2018 và quý I-2019 cho thấy, tình hình kinh tế-xã hội trong nước có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng ở mức cao, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, mưa lũ kéo dài ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, giá cả một số mặt hàng thiết yếu biến động, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có những yêu cầu mới, nặng nề, trong khi ngân sách bảo đảm hậu cần còn hạn hẹp đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác hậu cần nói chung, công tác tham mưu hậu cần nói riêng. Để tham mưu hiệu quả về công tác hậu cần, cơ quan TMHC đã bám sát chủ trương của Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp, tích cực thu thập các yếu tố tác động, liên quan, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất với trên tiến hành các mặt công tác hậu cần bảo đảm đúng định hướng, phù hợp với nhiệm vụ của các đơn vị.

Trong công tác bảo đảm hậu cần SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất, cơ quan TMHC đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy các cấp duy trì nền nếp chế độ công tác hậu cần SSCĐ; lực lượng, phương tiện hậu cần SSCĐ được củng cố, kiện toàn; vật chất, trang bị hậu cần dự trữ SSCĐ và dự trữ quốc gia cho quốc phòng được quản lý, bảo quản tốt, đáp ứng kịp thời các tình huống. Các cơ quan, đơn vị đã triển khai điều chỉnh, xây dựng hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến; hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh, đề xuất báo cáo Bộ Tổng Tham mưu ban hành chỉ thị về dự trữ đạn, vật chất hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ. Chỉ đạo, bảo đảm, thực hiện tốt diễn tập ở các cấp. Tham mưu, chỉ đạo bảo đảm tốt mọi mặt hậu cần cho Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 số 1 xuất quân đi Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và huấn luyện tiền triển khai BVDC cấp 2 số 2.

Hậu cần các quân khu, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tích cực chỉ đạo hậu cần quân sự địa phương, bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành đề xuất với người chỉ huy tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh xây dựng, hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT) cấp tỉnh, huyện; bổ sung, kiện toàn, duy trì hiệu quả hoạt động của hội đồng cung cấp; tổ chức tốt tổng kết 10 năm công tác hậu cần thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới, làm cơ sở để triển khai thực hiện tốt công tác hậu cần KVPT trong những năm tiếp theo; dự thảo mẫu văn kiện hậu cần tác chiến chiến dịch, tác chiến KVPT, vận dụng trong diễn tập, xây dựng, điều chỉnh văn kiện hậu cần tác chiến các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng... nhằm hoàn chỉnh, ban hành chính thức trong năm 2019.

Cơ quan TMHC cũng đã chủ động nghiên cứu các nghị định, thông tư của Chính phủ và các bộ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội triển khai theo đúng lộ trình, đạt được hiệu quả thiết thực; chủ động chỉ đạo, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần cho nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt của bộ đội và nhân dân trên các địa bàn. Ngành TMHC đã chủ động tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy nội dung hậu cần trong xây dựng các chương trình, kế hoạch của đơn vị; xây dựng, đôn đốc, theo dõi, quản lý chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch, hoàn thành tốt các chỉ tiêu hậu cần năm 2018 ở tất cả các cấp, đơn vị. Hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện đột phá “Đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm vật chất hậu cần”, tạo bước chuyển biến quan trọng trong công tác hậu cần của đơn vị.

Đối với công tác huấn luyện, nghiên cứu khoa học, quản lý xây dựng ngành hậu cần, các đơn vị đã triển khai, thực hiện đột phá “Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, làm chuyển biến toàn diện xây dựng chính quy ngành", thực hiện thống nhất các mẫu, dự thảo mẫu văn kiện hậu cần tác chiến ở các cấp. Hậu cần các đơn vị xây dựng đầy đủ kế hoạch, biên soạn tài liệu, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, mô hình, học cụ, bãi tập; tổ chức huấn luyện hậu cần cho các đối tượng theo phương châm “Cơ bản-thiết thực-vững chắc”, sát với yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, gắn với hậu cần KVPT, đối tượng tác chiến, trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Công tác xây dựng đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện trong tình hình mới được các cấp ủy, người chỉ huy quan tâm thực hiện. Công tác hội thi, hội thao ở tất cả các cấp được đẩy mạnh, tổ chức chặt chẽ, góp phần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên và cơ quan, đơn vị, các phân đội hậu cần các cấp…

Năm 2019, công tác TMHC tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình mọi mặt, tham mưu chỉ đạo bảo đảm kịp thời hậu cần cho các nhiệm vụ SSCĐ và đột xuất; ưu tiên các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, ở địa bàn trọng điểm. Đẩy mạnh xây dựng và hoạt động hậu cần KVPT tỉnh, thành phố. Chủ động, sẵn sàng cho phòng, chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn, đồng thời tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến ở các cấp, tăng cường các cuộc diễn tập, luyện tập nhằm bổ sung, hoàn thiện phương thức bảo đảm hậu cần. Rà soát, điều chỉnh, phân cấp, tổ chức dự trữ vật chất, trang bị hậu cần SSCĐ theo đúng chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng, chỉ lệnh của Chủ nhiệm TCHC; chỉ đạo, bảo đảm tốt cho BVDC cấp 2 số 2 thay thế BVDC 2 số 1 thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần thường xuyên, công tác TMHC hướng vào thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng liên quan đến công tác hậu cần; triển khai các đề án, quy hoạch hệ thống bệnh viện, bệnh xá, kho hậu cần các cấp, gắn với thế bố trí hậu cần theo kế hoạch A, hướng chiến trường, KVPT và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội các địa phương; rà soát, đề xuất kiện toàn tổ chức biên chế ngành hậu cần quân đội. Tham mưu, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện tốt đột phá đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong quân đội theo hướng tăng cường phân cấp hơn nữa cho đơn vị. Việc mua sắm thực hiện bảo đảm đúng pháp luật, mở rộng đấu thầu rộng rãi; huy động hàng tồn kho và kết hợp các nguồn lực khác để tăng khả năng bảo đảm. Các đơn vị cần quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các mặt hàng phân cấp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, xây dựng và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, định mức, hạn mức hậu cần, thực hiện tốt dự toán, thẩm định dự toán ngân sách các ngành hậu cần theo cơ chế quản lý tài chính mới...

Ngành TMHC toàn quân cần chủ động nghiên cứu, quán triệt nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của trên, nắm chắc tình hình mọi mặt, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện khoa học, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, phát huy tính năng động, trí tuệ tập thể, vai trò trung tâm hiệp đồng để tham mưu với cấp ủy, người chỉ huy chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá, hoàn thành thắng lợi mọi mặt công tác hậu cần quân đội trong năm 2019 và những năm tiếp theo./.

Thiếu tướng TRẦN DUY GIANG - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tao-dot-pha-trong-cong-tac-tham-muu-hau-can-toan-quan-571451