Tạo đột phá mới

Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng quý I-2021, tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đó là thành quả của việc Việt Nam đã chủ động đón thời cơ trong thời gian qua.

Giữa cuộc khủng hoảng do dịch bệnh trên toàn thế giới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy Việt Nam có những lợi thế riêng, là “đất lành” để phát triển lâu dài. Điều đó thể hiện rõ khi các doanh nghiệp đã triển khai đầu tư ở 17 ngành, lĩnh vực, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Số đối tác rót vốn vào Việt Nam cũng ngày càng mở rộng khi đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại 47 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, đã xuất hiện những dự án quy mô “khủng” như Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) hay Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với số vốn đăng ký lên đến cả tỷ USD...

Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn khó khăn này các nhà đầu tư lại tìm đến nước ta. Khả năng kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ; nền kinh tế có độ mở lớn; doanh nghiệp được đặt ở vị thế ngày càng cao với những bảo đảm về quyền lợi lâu dài; nền chính trị ổn định... là những điểm tựa vững chắc để nhà đầu tư cỡ "đại bàng" yên tâm “làm tổ”. Nhưng để ngày càng có nhiều những “chiếc tổ” quy mô, chất lượng, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong tình hình mới.

Một trong những đòi hỏi cấp bách, luôn mang tính thời sự, là phải hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận các chuẩn mực tiên tiến và hài hòa với cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và có tính cạnh tranh cao. Đi liền với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Những “lỗ hổng” về việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 đặt ra vấn đề phải tiếp tục tái cơ cấu khu vực công nghiệp với trọng tâm là phát triển công nghiệp hỗ trợ; qua đó, hạn chế sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp và thị trường nhất định ở nước ngoài. Đồng thời, chú trọng phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu để bảo đảm doanh nghiệp không bị động trong mọi trường hợp.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương cần nâng cấp, xây dựng mới cầu đường, cảng biển, sân bay nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tiếp tục đầu tư thêm các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch đồng bộ về cơ sở hạ tầng để đón các dự án chất lượng.

Vấn đề nữa mang tính căn cốt, giúp tăng sức cạnh tranh trong thu hút dòng vốn nước ngoài là chủ động được nguồn nhân lực chất lượng. Các bộ, ngành, địa phương cần có những hoạch định, dự báo về thị trường lao động, về ngành, nghề mà doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng đầu tư vào Việt Nam để định hướng trong đào tạo nhân lực; đặt người lao động trong xu thế mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đón đầu cơ hội việc làm.

Chỉ khi thực hiện đồng bộ giải pháp, chúng ta mới tạo được đột phá mới, trở thành “thỏi nam châm” hút các dự án đạt mục tiêu cả về chất và lượng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/996812/tao-dot-pha-moi