Tạo đột phá để thu hút vốn đầu tư PPP

•Cần có quy chế và hình thức sử dụng quỹ phòng chống thiên tai

Ngày 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, nghe báo cáo và thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luật chiều 28/5.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luật chiều 28/5.

Sau khi nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP, thảo luận tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, những quy định về lĩnh vực đầu tư dự án PPP mục tiêu chính là nhằm huy động những nguồn lực trong dân. Do đó, không nên hạn chế đầu tư trong lĩnh vực đầu tư PPP, nhất là lĩnh vực nhà máy điện, bởi việc huy động đầu tư lĩnh vực này sẽ bảo đảm được an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, đối với vấn đề chia sẻ rủi ro, theo đại biểu Tạ Văn Hạ, cần áp dụng quy tắc của kinh tế thị trường, lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu, tuy nhiên nhà nước cần tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư tư nhân hơn.

Cho ý kiến về các quy định liên quan đến hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP. Hải Phòng) tán thành với phương án 1 của Dự án Luật rằng sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án áp dụng loại hợp đồng BT theo phương thức mới theo hướng chặt chẽ hơn tại dự thảo Luật PPP, tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất để điều chỉnh dự án áp dụng loại hợp đồng BT nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua và bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước. Thực tiễn thời gian qua BT là phương thức thực hiện chủ yếu trong các phương thức PPP, hiện vẫn còn nhiều dự án đang triển khai.

Đối với các quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, nhiều đại biểu chỉ ra rằng bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Do đó các đại biểu cho rằng nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển. Chính vì vậy, nhiều đại biểu tán thành như quy định về nội dung kiểm toán tại Điều 87 của Dự án Luật.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, đa số đại biểu thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều để khắc phục những bất cập, vướng mắc lớn phát sinh trong thực tiễn thi hành 2 luật này và bảo đảm phù hợp, thống nhất với một số dự án Luật là cần thiết và tán thành với những nội dung trong dự án Luật.

Góp ý về bảo đảm ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai, đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh BR-VT) chỉ rõ, tại khoản 6 Điều 1 của dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 9 nêu: “Ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hàng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính” là cần thiết và phù hợp. Vì thực tiễn cho thấy, thiên tai gây ra những hậu quả nghiêm trọng như sập nhà cửa, công trình, cầu cống,… cần thiết phải có nguồn vốn trung hạn để khắc phục. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định chi tiết về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai”, vì thời gian qua, việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có trường hợp còn chậm, chưa sát với thực tế (có địa phương thiệt hại ít nhưng báo cáo nhiều hoặc là có địa phương bị thiệt hại nhiều nhưng Chính phủ hỗ trợ ít).

Như vậy, sau 8 ngày Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành kỳ họp đợt 1 theo hình thức trực tuyến. Sau đó, ngày 8/6, kỳ họp sẽ tiếp tục làm việc tập trung tại Hội trường Diên Hồng, Hà Nội để nghe xem xét, thảo luận và có những quyết định đối với nhiều nội dung quan trọng.

Tin, ảnh: ĐÔNG HIẾU

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202005/ngay-lam-viec-thu-8-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-tao-dot-pha-de-thu-hut-von-dau-tu-ppp-900524/