Tạo đột phá cho ngành logistics

Phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm là dịch vụ logistics là một trong những lĩnh vực được Đồng Nai xác định là lĩnh vực đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh:P. Tùng

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh:P. Tùng

* Logistics phục vụ công nghiệp là ưu tiên hàng đầu

Đồng Nai hiện có 32 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, trong đó có 31 KCN đã đi vào hoạt động. Phát triển công nghiệp lâu nay vẫn được đánh giá là thế mạnh lớn của địa phương. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, để nhận diện thế mạnh của Đồng Nai, phát triển công nghiệp chính là thế mạnh nổi bật.

Với thế mạnh về phát triển công nghiệp, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn. Đây chính là thị trường lớn, đầy tiềm năng cho hệ thống cảng, dịch vụ vận tải hàng hóa, logistics của Đồng Nai, nhất là dịch vụ logistics phục vụ công nghiệp.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, phát triển thương mại dịch vụ là lĩnh vực đột phá thì dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch và dịch vụ thương mại là ba mũi nhọn phát triển của Đồng Nai.

Ông Đặng Văn Điềm, thành viên Chi hội Vận tải hàng hóa và logistics, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho hay, với số lượng KCN nhiều nhất cả nước, cùng với đó là hàng chục cụm công nghiệp cũng đã được quy hoạch xây dựng, dịch vụ logistics phục vụ cho sản xuất công nghiệp của Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Thời gian tới, tiềm năng này sẽ càng lớn hơn khi ngành công nghiệp tiếp tục được Đồng Nai mở rộng phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, hiện nay, dù là địa phương có nhiều KCN nhất cả nước, tuy nhiên Đồng Nai vẫn xác định phải tiếp tục phát triển công nghiệp để phát huy ưu thế về vị trí địa lý và động lực từ các dự án hạ tầng đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Đồng Nai bổ sung vào quy hoạch (giai đoạn 2015-2020) thêm 6,5 ngàn ha đất để phát triển công nghiệp. “Hiện nay, tỉnh đang làm công tác quy hoạch để đón nhận các nhà đầu tư mới, nhà đầu tư lớn vào sản xuất ở Đồng Nai. Mục tiêu của địa phương là phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít lao động, ít ảnh hưởng đến môi trường và có giá trị gia tăng cao” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nói.

Cũng theo đó, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh đang quy hoạch mở thêm một số KCN ở các địa phương như: Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất và TP.Long Khánh. Mục tiêu mở thêm các KCN mới là để đón nhận động lực phát triển từ các dự án hạ tầng mà Trung ương sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này. “Với định hướng tiếp tục phát triển công nghiệp thì đối với lĩnh vực dịch vụ, dịch vụ logistics phục vụ cho công nghiệp là ưu tiên hàng đầu của Đồng Nai trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

* Tạo động lực từ sân bay, cảng biển

Tiềm năng lớn trong phát triển ngành dịch vụ logistics của Đồng Nai là điều đã được nhìn nhận từ lâu. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành logistics vẫn chưa tạo ra được sự đột phá phát triển xứng tầm với tiềm năng.

Ông Đặng Văn Điềm cho rằng, một trong những điểm “nghẽn”, cản trở sự phát triển của ngành logistics chính là hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế và thiếu tính đồng bộ.

Phân tích nhận định này, ông Đặng Văn Điềm cho rằng, trong dịch vụ logistics, vận tải đường thủy và hệ thống cảng có vai trò rất quan trọng. Bởi ngoài sản lượng chuyên chở lớn, chi phí vận tải bằng đường thủy cũng “mềm” hơn so với đường bộ và đường hàng không. Tuy nhiên, trên thực tế, vận tải đường thủy và hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa được đầu tư đúng mức đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành logistics.

Thời gian qua, nhiều dự án giao thông lớn đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Phan Thiết - Dầu Giây. Cùng với đó, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh như quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 20 cũng đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Mặc dù vậy, sự đầu tư này vẫn chưa thể bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, để phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp cũng như dịch vụ, vấn đề lớn nhất của tỉnh chính là đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông kết nối.

Đặc biệt, trong bối cảnh dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đã được Chính phủ phê duyệt, việc nhanh chóng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trong giai đoạn tới nhằm khai thác có hiệu quả “siêu” dự án này càng trở nên cấp bách.

Sân bay Long Thành sẽ là động lực lớn để thúc đẩy phát triển công nghiệp của địa phương, từ đó kéo theo sự phát triển của ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistics phục vụ công nghiệp. “Hiện tỉnh đang nghiên cứu quy hoạch các KCN mới ở gần khu vực sân bay Long Thành”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Cùng với sân bay Long Thành, hiện nay, Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng biển Phước An (H.Nhơn Trạch), cảng nước sâu có thể đón tàu có tải trọng lên đến 50 ngàn tấn. “Khi đã có sân bay Long Thành, cảng Phước An cộng với việc mở rộng và mở mới các KCN thì địa phương cũng phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202012/tao-dot-pha-cho-nganh-logistics-3033458/