TẠO ĐỘNG LỰC TINH THẦN CHO NHÀ GIÁO

Những ngày qua, dư luận đề cập nhiều đến việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trong đó, vấn đề lương giáo viên được đề xuất ở mức cao nhất trong bảng lương của ngạch hành chính sự nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả. Thông tin này mang lại niềm vui cho đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề cập đến yếu tố bảo đảm để thực hiện chính sách này còn gặp khó.

Khi được gặp, được nghe các thầy cô giáo ở nhiều vùng khó khăn bày tỏ tâm tư, chúng ta mới hiểu nỗi lo “cơm áo gạo tiền” không phải là tất cả đối với những người đang làm nghề “chèo đò” đưa con thuyền tri thức sang sông. Không ít người sẽ phải chạnh lòng khi nghe kể về các thầy, cô cắm bản ở vùng cao Tây Bắc. Khi đêm về, với chiếc đèn tích điện, thầy cô miệt mài bên trang giáo án. Những ngày cuối tuần, có chăng chỉ là niềm vui cùng chiếc máy vi tính, hay nhiều hơn là chiếc loa cầm tay để hát cho nhau nghe. Đời sống của các giáo viên quanh năm suốt tháng thường xoay quanh một gian nhà vách gỗ lợp mái tôn, lấy niềm vui với con trẻ cho qua ngày. Nói điều đó để thấy, hình như chúng ta đang đồng cảm với những băn khoăn thường nhật của nhà giáo mà quên mất một phần thật quan trọng, đó là đời sống văn hóa tinh thần của thầy cô.

Ảnh minh họa.

Môi trường văn hóa, đời sống tinh thần của giáo viên có gì, ra sao? Họ đang làm gì để có một đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, tạo động lực cho chính mình trong nghề nghiệp? Ở các đô thị lớn, nhà giáo có đủ phương tiện nghe nhìn, có trăm ngàn thứ để quan tâm, có vô số loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần để tham gia. Thế nhưng, trong số hơn 2 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thì phần lớn lại là các nhà giáo công tác ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Mỗi thầy cô giáo được ví như một "kỹ sư tâm hồn". Và với mỗi thầy cô luôn cần một nhân cách, một tâm hồn đẹp. Muốn vậy, chính họ phải được nuôi dưỡng, được sống trong môi trường thấm đậm văn hóa, nhân văn để họ càng yêu nghề, gắn bó với nghề và đào tạo những thế hệ học trò vững vàng cả về tri thức và đạo đức. Để có được điều đó, ngành giáo dục và cả xã hội cần dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến không chỉ đời sống vật chất mà cả đời sống văn hóa, tinh thần cho mỗi nhà giáo. Đối với nhà trường, các tổ chức chính trị-xã hội, như công đoàn, thanh niên, phụ nữ, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, tinh thần thiết thực tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú cho nhà giáo.

Không chỉ bằng sự quan tâm cụ thể mà những thiết chế văn hóa dành cho các nhà giáo, đặc biệt là các nhà giáo công tác ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ tạo động lực tinh thần to lớn cho nhà giáo yên tâm bám trường, bám lớp, gắn bó với nghề. Điều đó đang chờ ở những cơ chế, chính sách cụ thể của ngành Giáo dục, của Đảng, Nhà nước và sẽ thiết thực hơn khi điều đó được cụ thể hóa trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đang được xây dựng.

TUẤN VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tao-dong-luc-tinh-than-cho-nha-giao-526081