Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ

Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của TP Hồ Chí Minh luôn chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó, ngành dịch vụ được xem là mũi nhọn chiến lược với tỷ trọng chiếm hơn 60% GRDP của thành phố. Để duy trì, thúc đẩy kinh tế và tạo ra động lực quan trọng trong giai đoạn mới, thành phố cần phát triển đồng bộ hạ tầng dịch vụ phù hợp cho ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa diễn ra hằng ngày tại Tân cảng Sài Gòn.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa diễn ra hằng ngày tại Tân cảng Sài Gòn.

Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của TP Hồ Chí Minh luôn chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó, ngành dịch vụ được xem là mũi nhọn chiến lược với tỷ trọng chiếm hơn 60% GRDP của thành phố. Để duy trì, thúc đẩy kinh tế và tạo ra động lực quan trọng trong giai đoạn mới, thành phố cần phát triển đồng bộ hạ tầng dịch vụ phù hợp cho ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát huy lợi thế tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là một trong những giải pháp hàng đầu của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu theo hướng bền vững. Ðiều này đã được chứng minh trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của thành phố đã chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng của các ngành sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng của các ngành phi nông nghiệp trong tổng GRDP của thành phố. Ðồng thời, thành phố đã và đang hình thành các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại với chín nhóm ngành chủ yếu, bao gồm: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo. Theo số liệu thống kê, năm 2019, khu vực dịch vụ giữ vững vai trò là động lực tăng trưởng của kinh tế thành phố vì đóng góp lớn nhất vào GRDP với 60,42% và ngành dịch vụ đã trở thành bước đột phá về phát triển kinh tế của thành phố. Cơ cấu kinh tế thành phố đã tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, nhiều lợi thế cạnh tranh, phù hợp tiềm năng, thế mạnh của thành phố.

Ðể việc chuyển dịch kinh tế của thành phố sang hướng dịch vụ đạt được những kết quả tích cực, theo các chuyên gia, thành phố cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, bởi đây là yếu tố hết sức quan trọng, có tính quyết định, đòn bẩy thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, điều kiện hạ tầng dịch vụ hiện có ở thành phố còn hạn chế và đã trở thành "nút thắt cổ chai" cho ngành này nói riêng và kinh tế thành phố nói chung phát triển. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu (Trường đại học Việt Ðức) cho rằng: TP Hồ Chí Minh đang đứng trước thách thức lớn là phải cạnh tranh với nhiều đô thị và thích nghi với những biến đổi mới, nhất là dần đánh mất về lợi thế cơ sở hạ tầng dịch vụ. Trong khi đó, tăng trưởng về công nghiệp ở vùng Ðông Nam Bộ đang dịch chuyển dần ra khỏi địa bàn thành phố, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa ở vùng ven (các địa phương giáp ranh thành phố) sẽ cao hơn vùng lõi trong thập kỷ tới. Thành phố không có lợi thế về mở rộng đất đai cho phát triển đô thị, công nghiệp và cơ sở hạ tầng cũng không tốt hơn Bình Dương hay Ðồng Nai. Chiến lược vươn lên để trở thành các thành phố thông minh sáng tạo đang trở nên phổ biến cho cả các thành phố trong vùng. Cùng với đó, dự án sân bay Long Thành (tỉnh Ðồng Nai), đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Bình Dương - Vũng Tàu dự kiến được hình thành trong thời gian tới sẽ là những động lực tăng trưởng đô thị và công nghiệp dọc tuyến hành lang chiến lược kết nối sân bay và cảng biển nằm ngoài phạm vi thành phố.

Cho rằng hệ thống logistics còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đề xuất: Thành phố cần quan tâm, xây dựng và phát triển các phương án về dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ðồng thời, phối hợp với các địa phương trong vùng phát triển hệ thống dịch vụ logistics nội địa, chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics và đầu tư hạ tầng cho khu vực, nhất là đầu tư hạ tầng vận tải thủy nội địa. Các đơn vị logistics phải liên kết để tạo chuỗi dịch vụ logistics giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ tích hợp, giá trị gia tăng cao…

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, ngành thương mại thành phố chiếm 22% cả nước với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trong chiến lược phát triển ngành thương mại, dự kiến đến năm 2025, thành phố sẽ có 268 siêu thị, 5.000 cửa hàng tiện ích... Về dịch vụ logistics, bao gồm vận tải, kho bãi, phân phối… tuy được đánh giá đang dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhưng đến nay thành phố chưa có trung tâm logistics tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, Sở Công thương xây dựng đề án Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, về hạ tầng là xác định vị trí, quy mô thành lập ba trung tâm logistics nhằm kết nối lưu thông hàng hóa giữa thành phố với địa phương trong khu vực để đáp ứng hai yêu cầu: lưu trữ, trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho các chuỗi phân phối nội thành và trung chuyển, phân phối hàng hóa giữa thành phố đi các địa phương, hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua cửa ngõ thành phố.

Từ những rào cản hạ tầng dịch vụ kìm hãm sự phát triển ngành dịch vụ, giải pháp được giới chuyên môn đưa ra là thành phố cần khai thác vị thế trung tâm vùng lõi, chuyển hóa thành trung tâm của chùm các đô thị có kết nối đa chiều. Chú trọng giải pháp kết nối kinh tế vùng, đầu tư đồng bộ dịch vụ logistics để tạo lợi thế cho các nhóm dịch vụ chất lượng cao phát triển trong tương lai. Ðồng thời, thành phố cần xác định đầu tư hạ tầng dịch vụ phải là đầu tư chiến lược và lâu dài; quy hoạch hạ tầng phải đi trước một bước và gắn liền với quy hoạch từng ngành để tạo nên hiệu ứng tích cực và thay đổi mạnh mẽ chất lượng dịch vụ.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44867802-tao-dong-luc-thuc-day-tang-truong-nganh-dich-vu.html