Tạo động lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Ru-ma-ni

Nhận lời mời của Thủ tướng Ru-ma-ni V.Đan-xi-la, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu thăm chính thức Ru-ma-ni. Chuyến thăm mở ra một trang mới trong quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Ru-ma-ni, tạo động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Từ năm 1990, Ru-ma-ni tiến hành cải cách kinh tế theo hướng thị trường, trong 10 năm đầu gặp rất nhiều khó khăn, lạm phát, thất nghiệp cao. Từ năm 2000, nền kinh tế liên tục tăng trưởng tốt, GDP năm 2008 tăng 8%. Từ cuối năm 2008, Ru-ma-ni bị ảnh hưởng trầm trọng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, tuy nhiên từ năm 2011 đã tăng trưởng trở lại. Năm 2018, GDP của Ru-ma-ni đạt mức tăng trưởng 4,1%; dự trữ ngoại tệ đạt 44,43 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2018, tổng vốn FDI đạt 82,1 tỷ USD. Ru-ma-ni là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế. Các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ru-ma-ni hiện nay là hội nhập sâu vào Liên hiệp châu Âu (EU), tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với nhiều nước châu Á.

Việt Nam và Ru-ma-ni thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 3-2-1950. Giai đoạn 1950-1989, Ru-ma-ni đã viện trợ và cho Việt Nam vay để phát triển một số ngành kinh tế. Sau khi Ru-ma-ni thay đổi chế độ chính trị vào tháng 12-1989, hai nước tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên mà nổi bật gần đây là các chuyến thăm Ru-ma-ni của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong năm 2018. Thủ tướng Ru-ma-ni Đ.Chô-lốt-xơ thăm Việt Nam tháng 7-2016. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các cuộc gặp bên lề các hội nghị quốc tế. Ngoài ra, các cơ chế hợp tác song phương như tham vấn chính trị được tổ chức đều đặn. Hai nước cũng tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), hai bên cùng đồng bảo trợ sáng kiến của Hung-ga-ri về vai trò nguồn nước trong chiến lược phát triển khu vực bền vững.

Chúng ta vui mừng nhận thấy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước những năm gần đây tăng trưởng ổn định, đạt 218,3 triệu USD năm 2018. Năm 2009, hai bên đã ký hiệp định về hợp tác kinh tế. Trên cơ sở hiệp định này, hai bên đã họp Khóa 14 của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Ru-ma-ni tại Bu-ca-rét vào tháng 6-2010 và Khóa 15 của Ủy ban liên Chính phủ vào tháng 6-2016 tại Hà Nội. Từ năm 2010, Ru-ma-ni đã được xếp vào nhóm các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của nước ta với khoảng 12 nghìn tấn/năm. Tính đến hết năm 2017, Ru-ma-ni có ba dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 2,1 triệu USD.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ru-ma-ni trong các lĩnh vực khác như văn hóa - du lịch, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, tư pháp, hợp tác giữa các địa phương… cũng phát triển khả quan. Một số địa phương của nước ta và Ru-ma-ni đã thiết lập quan hệ như tỉnh Lào Cai với tỉnh Hu-nê-đoa-ra, thành phố Đà Nẵng với thành phố Ti-mi-xoa-ra, Thủ đô Hà Nội với thủ đô Bu-ca-rét, tỉnh Bến Tre với tỉnh Tun-chê-a. Hai bên đang thúc đẩy triển khai dự án “Thành lập thí điểm khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại đồng bằng sông Mê Công” tại tỉnh Bến Tre. Cộng đồng người Việt Nam tại Ru-ma-ni hiện có khoảng 500 người luôn đoàn kết và hướng về Tổ quốc.

Chuyến thăm chính thức Ru-ma-ni của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu. Chuyến thăm góp phần khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với Ru-ma-ni, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu thị trường, tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của nhau.

NHÂN DÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/xa-luan/item/39849402-tao-dong-luc-thuc-day-quan-he-huu-nghi-hop-tac-viet-nam-ru-ma-ni.html