Tạo động lực thu hút đầu tư

6 tháng năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng tích cực, với số vốn đăng ký 8,37 tỷ USD. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là mục tiêu của các địa phương nhằm tạo động lực thu hút đầu tư.

Nhật Bản giữ vững ngôi đầu

Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng năm 2018, DN FDI đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn nhất với 5,87 tỷ USD. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 3,68 tỷ USD và Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,93 tỷ USD.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư nước ngoài

Có 17 lĩnh vực thu hút đầu tư, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều sự quan tâm nhất với 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD; đứng thứ 3 là bán buôn, bán lẻ với 1,5 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, đầu tư của Nhật Bản đang có xu hướng gia tăng. Năm 2017, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam. 6 tháng đầu năm, Nhật Bản tiếp tục đứng vị trí thứ nhất với 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư. Hiện các dự án, lĩnh vực DN Nhật Bản đang hiện diện chủ yếu là lọc hóa dầu, công nghệ thông tin, công nghiệp vật liệu xây dựng…

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Nhận định về lợi thế hấp dẫn đầu tư của Việt Nam đối với DN nước ngoài, tại buổi họp báo công bố kết quả đối thoại lần thứ XI giữa Liên đoàn các Hiệp hội DN Nhật Bản tại các nước ASEAN tổ chức mới đây, ông Hiroyuki Ishige - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) - cho rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam đang được nỗ lực đổi mới và ngày càng cải thiện. Cùng với đó là những thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, tháo gỡ vướng mắc cho DN trong việc thông quan hàng hóa, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các DN Nhật Bản vẫn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục. Trong đó, sự yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khiến tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam hiện mới đạt 33,2%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (67,3%); Thái Lan (56,8%). Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển cũng khiến liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI bị hạn chế, giảm sức lan tỏa của dòng vốn FDI đến khu vực DN và kinh tế trong nước. Ngoài ra, theo ông Koji Ito - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng lạc hậu cũng làm mất đi cơ hội để Việt Nam thu hút các dự án lớn, liên kết với khu vực FDI và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài, các tỉnh, thành phố trên cả nước đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Đơn cử, Quảng Bình tiếp tục cải cách hành chính theo hướng thuận lợi, tạo điều kiện cho các dự án FDI triển khai đúng tiến độ và nguồn vốn đăng ký; tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng và minh bạch, nhằm giữ vững tỷ lệ hồ sơ DN đăng ký trực tuyến và đạt các yêu cầu về cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện…

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là quốc gia có môi trường đầu tư tốt nhờ sự đổi mới, nỗ lực cải cách hành chính, chính sách thu hút đầu tư cùng với các khung, hành lang pháp lý liên tục được cải thiện để tạo môi trường phát triển cho DN trong nước và nước ngoài.

Lan Anh - Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/tao-dong-luc-thu-hut-dau-tu-106704.html