Tạo động lực thi đua thực hiện Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'

Chiều 25-11, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã có buổi làm việc thống nhất công tác chuẩn bị Hội nghị tổng kết Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'. Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP; đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đồng chủ trì buổi làm việc. Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP dự buổi làm việc.

Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP; đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đồng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Thanh Thuận

Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP; đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đồng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Thanh Thuận

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thị An Hiền, Phó Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam cho biết, Hội nghị tổng kết Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19-12-2020 tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Nội dung công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị gồm: Thành phần dự hội nghị, nội dung hội nghị tổng kết, hoạt động bên lề, nội dung chương trình giai đoạn 2, công tác khen thưởng.

Theo đó, tổng số đại biểu dự hội nghị gồm 408 người. Nội dung hội nghị tổng kết gồm tham luận của các đại biểu; Khen thưởng; phát động Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2 (2021-2025); đại diện một số hội phụ nữ các tỉnh/thành trao hỗ trợ cho các xã đồng hành.

Hoạt động bên lề hội nghị sẽ được tổ chức tại xã biên giới Bát Mọt, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa bao gồm: Chương trình truyền hình thực tế “Vì bạn xứng đáng” (VTV3); tổ chức phiên chợ nhân đạo “Ấm tình biên cương” vào ngày 18-12; thăm và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Mọt vào tối 18-12.

100 tập thể, cá nhân sẽ được khen thưởng, trong đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen 9 tập thể, cá nhân.

Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP phát biểu đóng góp ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Thuận

Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ xây dựng kế hoạch tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện chương trình; biên soạn và in cuốn kỷ yếu “Câu chuyện đồng hành”; phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đảm bảo chương trình, nội dung, tổ chức hoạt động bên lề; phối hợp với VTV3 quay chương trình truyền hình thực tế “Vì bạn xứng đáng”.

Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ chủ trì xây dựng phóng sự “Khởi sắc biên cương” và clip ngắn về huy động nguồn lực của tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp trình chiếu trong hội nghị; đảm bảo chương trình văn nghệ chào mừng; chương trình giao lưu tại Đồn Biên phòng Bát Mọt…

Tại buổi làm việc, đã có nhiều ý kiến đóng góp cho kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hà Thị Nga cho biết, Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp và giao cho bộ phận chuyên môn thể hiện rõ những ý tưởng, chỉ đạo của lãnh đạo 2 ngành tại hội nghị. Về phần khen thưởng, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất khen thưởng ở cấp Thủ tướng Chính phủ. Trong công tác khen thưởng, cần phát hiện được những tấm gương điển hình, nổi bật trong thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" của tập thể, cá nhân ở cấp cơ sở để tạo động lực thi đua, thực hiện chương trình ngày càng tốt hơn.

Đồng chí Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, đến thời điểm này, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã đạt được những kết quả cụ thể, ghi dấu ấn, tạo sức lan tỏa. Đồng chí hy vọng, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2 (2021-2025) sẽ có những chuyển hướng tích cực hơn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trung tướng Đỗ Danh Vượng tiếp tục khẳng định giá trị thiết thực của Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương". Đồng chí Chính ủy BĐBP đồng ý đề xuất khen thưởng ở cấp Thủ tướng Chính phủ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho một số tổ chức hội và cá nhân. Trung tướng Đỗ Danh Vượng đề nghị, cần thống kê, đánh giá những ý nghĩa xã hội mà chương trình đã đạt được. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền (về chương trình, những giá trị của chương trình đã đạt được).

Việc xây dựng kế hoạch, hoạt động Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" trong thời gian tới cần bám sát vào chức năng, đối tượng để triển khai; bám sát vào thực tiễn tình hình trên các tuyến biên giới và đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng là phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới, hải đảo và phụ nữ có chồng, con là bộ đội ở khu vực biên giới, hải đảo.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Thuận

Công tác chuẩn bị phóng sự “Khởi sắc biên cương” với độ dài tối đa 25 phút sẽ do Điện ảnh - Truyền hình BĐBP đảm nhận, trong đó cần nêu bật được sự thành công của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là sự kế thừa truyền thống của dân tộc, của phụ nữ Việt Nam những năm qua; tuyên truyền, vận động để phụ nữ ở khu vực biên giới tham gia vào xây dựng nền Biên phòng toàn dân, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng BĐBP bảo vệ biên giới và đồng hành cùng họ chăm lo đời sống, kinh tế của các cán bộ, hội viên phụ nữ.

Đồng chí Chính ủy BĐBP mong muốn, công tác tổng kết được chuẩn bị tốt sẽ là động lực để cho chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội LHPN Việt Nam thời gian tới thành công hơn, nhằm mục tiêu đem lại cuộc sống ấm no hơn cho đồng bào khu vực biên giới.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-dong-luc-thi-dua-thuc-hien-chuong-trinh-quotdong-hanh-cung-phu-nu-bien-cuongquot-post435379.html