Tạo động lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kết nối, tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho các doanh nghiệp (DN) FDI. Tuy nhiên, để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, các DN trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ.

TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kết nối, tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho các doanh nghiệp (DN) FDI. Tuy nhiên, để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, các DN trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ.

Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh là một trong số các DN hàng đầu về sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí chính xác ở nước ta hiện nay. Hoạt động 30 năm nay, công ty chuyên thiết kế và chế tạo khuôn mẫu, phụ tùng máy, máy chuyên dùng… theo đơn đặt hàng của nhiều đối tác.

Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh Trần Vân Tiên cho biết, với đội ngũ kỹ sư nhiều kinh nghiệm, công nhân lành nghề và những thiết bị, máy móc hiện đại, điều khiển bằng chương trình số, sản phẩm của công ty đã tham gia được vào chuỗi cung ứng các sản phẩm CNHT cho Công ty Techtronic Industries (TTI). Hiện, công ty đang xây dựng thêm nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng. Nhà máy đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để tăng chất lượng, sản lượng đáp ứng yêu cầu của các DN FDI trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Cũng theo bà Tiên, các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT rất muốn mở rộng sản xuất, đầu tư các dây chuyền hiện đại, nhưng hầu hết đều gặp khó khăn về vốn. Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh xây dựng được nhà máy ở khu công nghệ cao là nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ toàn bộ vốn vay ngân hàng theo tinh thần Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND ngày 8 tháng 10 năm 2018 của HĐND thành phố về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020.

TTI có nhà máy sản xuất đặt tại Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore, tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất, gia công và lắp ráp thiết bị điện, phụ kiện sử dụng điện, dụng cụ cầm tay sử dụng điện, thiết bị điện sử dụng ngoài trời, các sản phẩm và thiết bị sử dụng cho sàn nhà, thiết bị chiếu sáng, dụng cụ đo lường… Sản phẩm của TTI chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ và một số nước châu Âu. Năm 2019, doanh thu toàn cầu của TTI đạt gần 7,7 tỷ USD.

Để mở rộng sản xuất, TTI đầu tư nhà máy sản xuất mới tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với diện tích đất hơn 13 ha, tổng vốn dự tính lên đến 650 triệu USD. Mục tiêu của nhà máy là sản xuất phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng. Cùng với đó, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực điện tử. Vì vậy, TTI rất muốn tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa để cung cấp các sản phẩm CNHT trong thời gian tới. Hiện, các nhà cung ứng nội địa cung cấp khoảng 38% trong chuỗi cung ứng các sản phẩm CNHT cho TTI. Dự kiến, cuối năm nay, TTI sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước để cung cấp các sản phẩm CNHT chiếm 60% và phấn đấu đến năm 2024 chiếm khoảng 80% trong chuỗi cung ứng các sản phẩm CNHT cho TTI.

Ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách tìm nguồn cung ứng toàn cầu của TTI cho hay, để trở thành nhà cung ứng cho TTI, các nhà sản xuất phải hội đủ các điều kiện: Chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ phải bảo đảm; DN phải sản xuất với số lượng nhiều trong thời gian ngắn để đáp ứng tiến độ sản xuất của công ty… Các nhà cung ứng nội địa rất có tiềm năng và TTI hy vọng các DN Việt Nam cung ứng sản phẩm có chất lượng, giao hàng nhanh, ổn định cao, vì TTI muốn tạo ra những chuỗi cung ứng là những nhà cung cấp nội địa với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 80% trong thời gian tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, do đại dịch Covid-19, một số DN FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguồn nguyên liệu cũng như các sản phẩm CNHT nhập khẩu, cho nên đã tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế. Đây là cơ hội để các DN CNHT trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Nắm bắt thời cơ này, các DN Việt Nam cần đầu tư dây chuyền, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt yêu cầu của các DN FDI.

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN CNHT về vốn, công nghệ, đối tác, kết nối thị trường. Thành phố đã ban hành các chính sách như hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian bảy năm, mức vốn vay cao nhất 200 tỷ đồng/dự án; kết nối cung cầu sản phẩm giữa DN của thành phố với các DN FDI; giúp DN nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với các tập đoàn kinh tế nước ngoài.

Qua gần hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND thành phố, đã có 1.500 lượt DN, đơn vị tiếp cận các chính sách theo chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT. Qua đó, đã có 24 dự án đầu tư của các DN CNHT thực hiện đầu tư đã được UBND thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, trong đó, vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay để đầu tư là 1.000 tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ các DN CNHT, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đang xây dựng chương trình kích cầu đầu tư của thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Đây là tiền đề quan trọng cho các DN CNHT trên địa bàn thành phố đổi mới công nghệ, thiết bị để sản xuất sản phẩm đạt yêu cầu cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, góp phần đưa sản phẩm CNHT của thành phố tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/tao-dong-luc-phat-trien-nganh-cong-nghiep-ho-tro-607705/