Tạo động lực mới phát triển du lịch Thủ đô

Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội của Thủ đô. Năm 2020, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hoạt động bị đình trệ, Việt Nam dừng đón khách nước ngoài, chỉ còn đón khách trong nước. Khó khăn chính là động lực để ngành du lịch Thủ đô tìm động lực mới, cơ cấu lại, khắc phục những điểm yếu để vươn lên.

Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội của Thủ đô. Năm 2020, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hoạt động bị đình trệ, Việt Nam dừng đón khách nước ngoài, chỉ còn đón khách trong nước. Khó khăn chính là động lực để ngành du lịch Thủ đô tìm động lực mới, cơ cấu lại, khắc phục những điểm yếu để vươn lên.

Bài 1 : Liên kết để cùng nhau vượt khó

Kể từ khi Việt Nam dừng giãn cách xã hội, thực hiện chương trình kích cầu du lịch trong nước, ngành du lịch Thủ đô đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp trên địa bàn đã có bước đột phá trong liên kết để hình thành các sản phẩm du lịch, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ. Những hoạt động này tạo nền tảng để triển khai các biện pháp ổn định lâu dài, tăng sức cạnh tranh cho du lịch Thủ đô.

Nhiều hình thức liên kết mới

Những ngày đầu tháng 7, ngành du lịch Thủ đô chứng kiến một chuyến du lịch đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn, đó là một chuyến tàu Hà Nội - Quảng Bình được thuê bao nguyên chuyến phục vụ khách du lịch (tiếng Anh là chuyến tàu charter). Chuyến tàu là kết quả của sự hợp tác giữa Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) và Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình. Tham gia lịch trình này, hành khách sẽ có hành trình tham quan, khám phá Quảng Bình trong ba ngày bốn đêm. Hiện, các doanh nghiệp tham gia Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO tiếp tục chào bán sản phẩm du lịch Quảng Bình bằng việc thuê tàu trọn gói từ nay đến cuối năm. Về phía Haraco, công ty đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đóng mới nhiều toa tàu; nâng cao chất lượng dịch vụ. Hoạt động liên kết đem lại lợi ích cho cả ba bên: Doanh nghiệp lữ hành có thêm sản phẩm du lịch với giá thành hợp lý; tỉnh Quảng Bình đón thêm lượng khách đến tham quan và ngành đường sắt có thêm lượng hành khách đi tàu. Trong tương lai, hợp tác giữa Haraco và các doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp tục mở rộng khi Haraco giảm giá đến 25% cho khách mua từ năm vé trở lên; những doanh nghiệp tiêu thụ hơn 300 vé/tháng sẽ được chiết khấu thêm 3%. Riêng các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội sẽ tổ chức hình thức thuê tàu nguyên chuyến đi: Vinh, Huế, Đà Nẵng...

Du lịch là ngành kinh tế chuỗi, liên quan đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp, địa phương như: Cơ sở quản lý điểm đến, doanh nghiệp lữ hành, vận tải, lưu trú, thương mại và ẩm thực. Liên kết, hợp tác là yếu tố sống còn của du lịch và đã được ngành du lịch triển khai những năm qua. Dịch Covid-19 khiến việc liên kết trở nên cấp thiết hơn, để kích cầu du lịch nội địa. Với sự điều tiết của Sở Du lịch Hà Nội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực tham gia các hoạt động liên kết. Liên kết thể hiện rõ nhất qua việc các doanh nghiệp cùng nhất trí giảm lợi nhuận để hỗ trợ cho đối tác là các hãng lữ hành có thể xây dựng các tua giảm giá mà vẫn bảo đảm chất lượng. Đây là cơ sở để các hãng lữ hành lựa chọn, xây dựng tua, tuyến dành cho khách tham quan. Doanh nghiệp lữ hành là người hiểu nhu cầu khách hơn cả. Do đó, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các điểm đến sẽ tạo thêm những sản phẩm du lịch mới, tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến. Trong đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội mới đây đã “làm mới” hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long bằng việc liên kết với Công ty lữ hành Hanoitourist xây dựng tua tham quan dành cho khách du lịch trong nước với chủ đề “Chạm vào quá khứ”. Chương trình mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, như: Khám phá Đoan Môn, chiêm ngưỡng những di vật quý giá phát lộ từ lòng đất, khám phá Nhà D67 và hai căn hầm bí mật của Tổng hành dinh; dâng hương tưởng nhớ 52 vị tiên đế; trải nghiệm nước giếng hoàng cung.

Các địa phương cũng nỗ lực xây dựng các chiến lược thúc đẩy liên kết. Điển hình trong số đó là quận Hoàn Kiếm. Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm đã họp bàn với hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn về phát triển du lịch. UBND quận Hoàn Kiếm và Hiệp hội Du lịch Hà Nội; các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, lữ hành, dịch vụ vận chuyển, ẩm thực đã ký cam kết hợp tác đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch.

Tăng cường hợp tác với các địa phương

Từ đầu tháng 5, sau khi được phép tổ chức các hoạt động du lịch, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong tháng này, đoàn famtrip gồm 80 doanh nghiệp do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức khảo sát tại ba tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, tìm hiểu các sản phẩm du lịch mới, khảo sát chất lượng địa điểm, xây dựng tua, tuyến. Tiếp đó, tháng 6, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Sở Du lịch Bình Định tổ chức đoàn famtrip tham quan các khu du lịch Kỳ Co, Trung Lương, Ghềnh Ráng, di tích quốc gia tháp Đôi Quy Nhơn... Đoàn cũng khảo sát du lịch các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên để tiến tới xây dựng tua “Cung đường biển huyền thoại” đi qua ba tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên, nhằm thu hút thêm nhiều đoàn du khách ở Hà Nội về tham quan. Hà Nội cũng tổ chức đoàn khảo sát để xây dựng trục văn hóa tâm linh: chùa Hương (Hà Nội) - chùa Tam Chúc (Hà Nam) - danh thắng Tràng An (Ninh Bình)…

Từ các hoạt động này, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội đã tìm được điểm đến tại các địa phương, xây dựng các tua kích cầu với giá hợp lý để đưa khách du lịch Thủ đô đến các tỉnh, thành phố và ngược lại. Đồng thời, giúp Hà Nội thực hiện tốt hơn vai trò cầu nối, để khách hàng khu vực miền trung, miền nam xây dựng các tua Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hay Hà Nội - các tỉnh miền núi phía bắc. Sản phẩm du lịch chủ lực của TP Hà Nội du lịch văn hóa, hội nghị (MICE), mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí… Trong khi thế mạnh của các địa phương trong vùng là du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, sinh thái, ẩm thực và du lịch biển. Do đó, có thể hỗ trợ cho nhau. Mới đây, tại hội thảo “Đánh giá kết quả khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh Lai Châu”, do Sở Du lịch TP Hà Nội phối hợp UBND tỉnh Lai Châu tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải khẳng định: Tỉnh Lai Châu mong muốn ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch - lữ hành Hà Nội liên kết với du lịch của địa phương để xây dựng tua du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến Lai Châu.

Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Minh Hạnh cho biết, đến thời điểm này, đã có 85 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển; 21 khách sạn, cơ sở mua sắm; 10 khu, điểm du lịch đăng ký tham gia chương trình liên minh kích cầu, qua đó tổ chức 346 tua liên kết đưa khách du lịch Hà Nội đi các tỉnh, thành trên cả nước. Đáng chú ý, tháng 10 năm nay, Hà Nội kỷ niệm 1010 năm Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, các doanh nghiệp tại Hà Nội, Ninh Bình đang xúc tiến cho ra đời tua du lịch “Đêm trước ngày dời đô”. Dự kiến, tua du lịch này sẽ ra mắt mùa thu năm nay. Khách du lịch sẽ được trải nghiệm tại các di sản, non nước Ninh Bình trước khi theo dấu Vua Lý Thái Tổ ra Hà Nội.

Ngành du lịch Thủ đô đang chuyển mình, tìm động lực mới hướng tới sự phát triển bền vững.

(Còn nữa)

Giang Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/tao-dong-luc-moi-phat-trien-du-lich-thu-do-609772/