Tạo động lực mới cho sản xuất nông nghiệp vụ đông

Tính đến thời điểm này, sản xuất vụ đông 2017-2018 tại các tỉnh phía bắc cơ bản hoàn thành. Ghi nhận chung, đây là vụ mùa bội thu của người nông dân. Nhiều địa phương cho biết, đã xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể để vụ đông không những trở thành một trong những vụ mùa chính tăng thu nhập cho người dân mà còn giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng di dân dịp cuối năm tại khu vực nông thôn.

Xây dựng kế hoạch sản xuất

Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, vụ đông năm 2017-2018 các tỉnh phía bắc đã sớm xây dựng kế hoạch gieo trồng ngay từ cuối tháng 9 âm lịch. Do đó, diện tích gieo trồng toàn vụ đã đạt 395 trong tổng số 410 nghìn héc-ta. Do đầu vụ gặp mưa lớn cho nên đã có gần 17 nghìn héc-ta cây vụ đông ưa ấm chủ yếu là ngô, dưa, bí bị thiệt hại và phải gieo trồng lại. Tuy nhiên, nhóm cây ưa lạnh lại tăng và ước đạt gần 64% diện tích gieo trồng; các giống cây chủ lực ngắn ngày phục vụ Tết Nguyên đán như: su hào, súp lơ và cải bắp tăng mạnh do nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng sớm có chính sách hỗ trợ giống, người dân mạnh dạn sản xuất nâng diện tích lên đến 20 nghìn héc-ta.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Ðịnh cho biết, tính toán sơ bộ, với những diễn biến thuận lợi về năng suất, về giá, người nông dân có thể thu nhập từ 80 đến 200 triệu đồng/ha cây vụ đông.

Tại tỉnh Hưng Yên, vụ đông 2017-2018, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 12 nghìn héc-ta rau màu các loại, đạt 107% kế hoạch, trong đó, có hơn 3.700 ha ngô và cây công nghiệp ngắn ngày, gần 8.000 ha rau các loại và hơn 1.000 ha cây dược liệu, hoa cây cảnh. Hiện, nông dân tỉnh Hưng Yên đã thu hoạch được khoảng 80% diện tích cây vụ đông. Trong khi đó, giá rau màu hiện cao gấp từ 1,2 đến 1,5 lần so cùng kỳ năm trước cho nên nông dân được mùa, được giá.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hưng Yên Ðoàn Thị Chải cho biết, do sớm xác định vụ đông là vụ sản xuất cho thu nhập chính của nhiều vùng đất cấy lúa hai vụ, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu diện tích sản xuất cây vụ đông cho từng huyện, thành phố. Ðồng thời tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân cho nên toàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, theo quy trình VietGAP, có giá trị cao như: Mô hình trồng bí đỏ ở các xã Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Tiền Phong…

Không chỉ có tỉnh Hưng Yên sớm xác định vụ đông là vụ mùa chính, tỉnh Hà Nam cũng sớm có kế hoạch phát triển cây vụ đông. Chỉ tính riêng vụ đông năm 2017- 2018, toàn tỉnh đã có kế hoạch gieo trồng gần 12.250 ha cây màu, trong đó cây ngô hơn 3.920 ha, đậu tương 2.422 ha, dưa chuột 591 ha, bí xanh và bí đỏ gần 2.200 ha, rau các loại hơn 1.870 ha, khoai tây hơn 500 ha... Ðối với những vùng có điều kiện, các địa phương đã chủ động mở rộng diện tích sản xuất vượt 15% kế hoạch, ưu tiên một số loại cây thế mạnh, gồm: Ngô làm thức ăn cho gia súc, bí đỏ, dưa chuột, khoai lang. Sở NN và PTNT đã đề xuất với UBND tỉnh xem xét có hình thức khuyến khích để thúc đẩy phát triển cây vụ đông giúp nâng cao giá trị sản xuất trên đồng rộng.

Nguồn lực phát triển kinh tế cho nông dân

Theo Chủ tịch UBND xã Nhân La Phạm Bá Nghĩa: Năm nay, xã đã gieo trồng hơn 60 ha cây vụ đông, với cây trồng chính là bí đỏ, trồng tập trung thành vùng, chủ yếu ở thôn Giang. Ðến nay, xã Nhân La đã cơ bản thu hoạch xong cây vụ đông, sản lượng đạt gần 1.000 tấn; trong đó cây bí đỏ cho sản lượng khoảng 750 tấn, với giá cao gấp gần 1,5 lần năm trước đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho nông dân trong xã.

Ðược mùa, được giá là thực tế ghi nhận từ vụ đông năm 2017-2018, song để cây vụ đông có thể phát triển trở thành cây chủ lực của các tỉnh phía bắc, vấn đề đặt ra hiện nay chính là cơ cấu lại lao động nông thôn. Do nguồn lao động trẻ hầu như không còn mặn mà với đồng ruộng mà chuyển về tìm việc làm tại các khu công nghiệp, còn lại lực lượng lao động đã quá tuổi ở lại địa phương tham gia làm nông nghiệp. Ðiều đó dẫn đến việc thiếu lao động và tác động lớn đến việc chuyển đổi cây trồng ở địa phương, ngay cả những địa phương vốn có truyền thống sản xuất vụ đông như Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương.

Bà Nguyễn Thị Hoa, nông dân xã Ðồng Hóa, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) cho biết: Mấy năm trước đây gia đình tôi luôn duy trì hàng mẫu cây màu vụ đông, trong đó cây dưa chuột xuất khẩu chiếm đến hai phần ba, nhưng mấy năm trở lại đây, các con tôi đã vào khu công nghiệp làm, chỉ còn hai vợ chồng tôi, cho nên cố gắng lắm, cũng chỉ trồng được vài ba sào, còn lại chuyển sang trồng bí xanh, ngô cho đỡ công lao động. Mặc dù trồng cây dưa chuột xuất khẩu cho thu nhập cao, nhưng đòi hỏi phải có người chăm sóc và thu hoạch hằng ngày.

Tại xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân - xã vốn nhiều năm liền đứng đầu tỉnh Hà Nam về phong trào trồng cây vụ đông hàng hóa nhưng năm nay diện tích cũng đã giảm đáng kể. Mặc dù diện tích sản xuất vụ đông của xã vẫn duy trì 380 ha, bảo đảm gieo trồng hơn 80% diện tích đất hai lúa, nhưng giá trị đã giảm do thiếu lao động, người dân chuyển sang trồng các loại cây đơn giản cho giá trị thấp, cần ít công lao động hơn như bí, ngô. Với cây chủ lực là dưa chuột xuất khẩu, vào thời gian cao điểm, toàn xã trồng đến 65 ha, nhưng vụ đông năm nay, diện tích giảm còn 54 ha. Về vấn đề này, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Nghĩa Ðinh Viết Cương cho rằng: Do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất cây trồng hàng hóa xuất khẩu, phải cần nhiều nhân công lao động cho nên việc sản xuất vụ đông của địa phương cũng phải chuyển dịch các cây trồng cụ thể để phù hợp với điều kiện lao động ở địa phương.

Phát triển cây vụ đông bằng những lợi thế sẵn có đang là hướng phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Nhưng làm thế nào để kéo lao động trẻ trở về đồng ruộng lại đang là bài toán khó đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải cùng vào cuộc với Bộ NN và PTNT. Cây vụ đông có tăng diện tích, có cho thu nhập cao nhưng nếu chủ nhân của đồng ruộng chỉ là những lao động cao tuổi thì năng suất, hướng phát triển sẽ chỉ là hữu hạn. Ðã đến lúc, để kéo lao động trẻ trở về với đồng ruộng, ngoài hỗ trợ về giống, về vốn, cần phát triển các mô hình sản xuất, tạo chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, tạo thêm động lực mới cho sản xuất nông nghiệp vụ đông.

Bài và ảnh: SƠN HÀ, ÐÀO PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/35764502-tao-dong-luc-moi-cho-san-xuat-nong-nghiep-vu-dong.html